Quân đội Trung Quốc kích động ngoại giao

Vài năm gần đây, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao hiếu chiến hơn. Một phần vì quyền lực kinh tế và quân sự lớn mạnh đáng kể, tuy nhiên một nguyên nhân chính không dễ nhận ra. Đó là các tướng lĩnh quân đội tác động đến chính sách ngoại giao.

Ở hầu hết các nước, thường các tướng không được tuyên bố công khai chính sách ngoại giao và an ninh. Điều này diễn ra đúng đắn dưới thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và năm năm cầm quyền đầu tiên của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Từ năm 2010, các tướng diều hâu bắt đầu công khai tuyên bố hiếu chiến trên báo chí. Rõ nhất vào cuối năm ngoái khi Thiếu tướng hải quân Dương Nghị kêu gọi từ bỏ quan điểm của Đặng Tiểu Bình và cổ súy: Giờ không còn là lúc Trung Quốc cần khiêm tốn mà cần có thái độ tự vệ kiên quyết, thể hiện ở chỗ phản công hiệu quả, nhanh chóng, chi phí thấp.

Quân đội Trung Quốc kích động ngoại giao ảnh 1

Ngày 1-7, hàng chục ngàn người biểu tình ở đặc khu Hong Kong. Họ yêu cầu Bắc Kinh can thiệp ít hơn, tố cáo hố sâu ngăn cách giàu-nghèo tăng và giá bất động sản ở Hong Kong quá cao. Một số người biểu tình bị bắt. Ảnh: GETTY IMAGES

Tháng trước, Thiếu tướng Hàn Tự Đông (ĐH Quốc phòng) tỏ ra hiếu chiến hơn với bài đăng trên Thời Báo Toàn Cầu với tựa đề: “Tâm lý phòng vệ đã cản trở đà mở rộng ra nước ngoài của Trung Quốc”. Hàn Tự Đông chủ trương: “Chỉ khi nào tâm lý phi bành trướng bị đánh đổ thì Trung Quốc mới có thể tiến nhanh từ cường quốc khu vực thành cường quốc toàn cầu”.

Các phát biểu của các tướng lĩnh dường như đã tạo cho Trung Quốc tâm thế đối đầu trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Sau xung đột ở bãi cạn Scarborough hồi tháng 5, Thiếu tướng La Viện không ngần ngại nói: “Trung Quốc đã mất kiên nhẫn… Trung Quốc không cần thận trọng thêm nữa”.

Năm ngoái, một số học giả cao cấp đã lên tiếng chỉ trích các tướng lĩnh. Trả lời báo Wall Street Journal hồi tháng 10-2010, GS Sở Thúc Long (ĐH Thanh Hoa) phàn nàn: “Quân đội có quyền lực quá lớn trong việc ra quyết định, đặc biệt trong chính sách ngoại giao”.

Vài tháng sau, GS Vương Di Tư (ĐH Bắc Kinh) đã chỉ trích nhiều tướng lĩnh tuyên bố thiếu thận trọng khi xác định biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và quân đội sẵn sàng tự vệ trước các thách thức về chủ quyền.

Từ giữa năm 2011 thì thậm chí các học giả có ảnh hưởng lớn cũng không dám đối đầu nữa. Gần đây, Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung tuyên bố lan tràn khắp các trang mạng rằng ở Trung Quốc có “hơn 1 triệu tên phản bội”: “Chúng được Mỹ đào tạo, đọc sách Mỹ, chấp nhận suy nghĩ của Mỹ và giờ đang giúp Mỹ lừa phỉnh người Trung Quốc”.

Chính quân đội và các nhà chiến lược của quân đội đứng sau quyết định thành lập TP Tam Sa trên biển Đông… Ý tưởng thành lập TP Tam Sa đã manh nha trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2007 nhưng chính sách ngoại giao lúc đó không ủng hộ.

Quân đội luôn chiếm 20% trong BCH Trung ương, cơ quan bầu ra Bộ Chính trị. Vì thế, các phe phái trong nội bộ đảng thường tìm kiếm sự ủng hộ của các tướng lĩnh nhằm chiếm ưu thế trong đại hội đảng. Bộ Chính trị lại là cơ quan kiểm soát Quân ủy Trung ương.

Ông Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ giữ chức tổng bí thư cuối năm nay, đang vướng trở ngại để trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương vì ông Hồ Cẩm Đào vẫn sẽ giữ vị trí này ít nhất hai năm sau đó. Bởi thế ông đã vận động rất nhiều tướng lĩnh chủ chốt ủng hộ, đổi lại ông sẽ để họ có ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách ngoại giao.

Trong bối cảnh quân đội đặt các nhà lãnh đạo dân sự vào tình thế khó khăn, có lẽ sau đại hội đảng, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nỗ lực khẳng định lại ảnh hưởng đứng đầu của đảng trong ngoại giao. Tuy nhiên, với kinh tế đang đi xuống, sẽ khó khăn để kiềm chế chủ nghĩa dân tộc.

GS WILLY LAM

THIÊN ÂN lược dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm