Nhiều năm qua, các nước ở khu vực hạ lưu sông Mekong (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam) liên tục phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, giao thông và gây thiệt hại kinh tế cho hơn 65 triệu người dân sống nhờ vào con sông này.
Bên cạnh tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, việc khai thác tài nguyên nước bất hợp lý thì hầu hết chuyên gia đều đồng ý là đập thủy điện, đặc biệt là 11 con đập do Trung Quốc (TQ) xây ở thượng nguồn, là nguyên nhân chính gây hạn hán. Đáng lo ngại hơn, số đập này còn cho phép Bắc Kinh kiểm soát nguồn nước của năm nước hạ lưu, đặt các quốc gia này vào thế bị động trên chính lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, tờ South China Morning Post khẳng định Washington chắc chắn sẽ không ngồi yên để Bắc Kinh độc chiếm sông Mekong, nhất là khi Mỹ thời quan qua không ngại đối đầu trực diện với TQ ở Biển Đông.
Mâu thuẫn chuyên gia Mỹ, Trung
Chưa nói đến xung đột quân sự hay cạnh tranh ngoại giao, học giả Mỹ và TQ hiện đang bất đồng sâu sắc về cáo buộc đập thủy điện TQ gây hạn hán ở hạ lưu nói trên.
Cụ thể, một nghiên cứu công bố vào tháng 7-2020 do ĐH Thanh Hoa (TQ) hợp tác cùng Viện Tài nguyên nước TQ thực hiện khẳng định đập nước này chẳng những không gây khô hạn cho các nước hạ lưu mà còn giúp giảm thiểu tác động bằng cách giữ bớt nước từ mùa mưa và tháo nước trong mùa khô.Tuy nhiên, công ty tư vấn rủi ro môi trường Eyes on Earth (Mỹ), được Washington tài trợ, hồi tháng 4 đã từng công bố nghiên cứu cho kết quả hoàn toàn trái ngược: Các đập thủy điện TQ cố tình giữ lại gần 47 tỉ m3 nước gần hết năm 2019, gây thiếu nước trên sông Mekong ngay cả trong mùa mưa.
Một ví dụ điển hình là khi Eyes on Earth đánh giá độ ẩm bề mặt qua vệ tinh tại tỉnh Vân Nam, TQ thì thấy lượng mưa tại khu vực này trong năm 2019 cao hơn mức trung bình cộng thêm lượng tuyết tan từ tháng 5 đến tháng 10-2019. Tuy nhiên, mực nước sông Mekong thời điểm này, tại đoạn chảy qua ở biên giới Lào - Thái Lan, lại thấp hơn đến 3 m so với thông thường.
Phản ứng trước nghiên cứu trên, Đại sứ quán TQ tại Thái Lan lập tức ra tuyên bố cáo buộc Eyes on Earth Inc. đang có ý đồ chính trị, muốn tấn công Bắc Kinh theo chỉ đạo của Washington. Các tác giả trong cuộc và giới chức Mỹ sau đó đã bác bỏ cáo buộc này.
Dù vậy, theo TS Sebastian Biba thuộc ĐH Goethe (Đức), đập thủy điện TQ trên thực tế đã tàn phá chế độ chuyển đổi nước theo mùa vốn có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái của sông Mekong. Quá trình này hằng năm giúp sản sinh gần 15%-20% lượng cá nước ngọt, đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả các nước ở hạ nguồn.
“Tệ hơn, việc TQ không đồng ý hợp tác chia sẻ dữ liệu khoa học của sông Mekong đang khiến uy tín của nước này trong mắt các quốc gia xung quanh suy giảm. Họ không cần phải làm vậy nếu không có gì để giấu. TQ có trữ nước sông Mekong hay không có lẽ không còn phải tranh cãi vì thiệt hại đã rõ ràng” - ông Biba khẳng định.
Một ngư dân đứng bên bờ sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Nong Khai, Thái Lan. (Ảnh chụp vào tháng 10-2019) Ảnh: REUTERS
Mặt trận sông Mekong tỏa nhiệt
South China Morning Post cho biết trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung ở sông Mekong thì mục tiêu lớn nhất vẫn là giành được lòng tin của các nước trong khu vực này. Như vậy, có thể thấy Bắc Kinh rõ ràng đã chậm hơn Washington.
Hơn nữa, Mỹ từ năm 2009 đã cho khởi xướng và đầu tư hơn 120 triệu USD vào chương trình Sáng kiến hạ lưu sông Mekong (LMI) với sự tham gia của cả năm nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Sáng kiến này sử dụng các nguồn vốn từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhằm đào tạo kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước trên. Thời gian gần đây, Mỹ còn tăng cường các động thái ủng hộ với LMI và kêu gọi thêm nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Do thiếu dữ liệu từ phía TQ, đến nay vẫn chưa thống kê chính xác về thiệt hại kinh tế ở khu vực hạ lưu sông Mekong dưới tác động của tình trạng hạn hán. Tuy nhiên, MRC ước tính trong đợt hạn năm 2016, Thái Lan đã thiệt hại gần 1,7 tỉ USD. Toàn bộ vùng hạ lưu cũng bị cảnh báo sẽ còn hạn nặng trong nhiều thập niên tới. |
Với mục tiêu chính là hỗ trợ xây dựng sự hiểu biết chung liên khu vực về một loạt vấn đề kinh tế và an ninh, South China Morning Post cho rằng cơ chế LMI đến nay vẫn đang hoạt động khá hiệu quả, có sự phối hợp tích cực giữa các quốc gia thành viên.
Trong một phiên thảo luận hồi đầu tháng 7 với lãnh đạo năm nước hạ lưu sông Mekong, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á từng khẳng định thời gian tới sẽ đẩy mạnh hợp tác trên khuôn khổ LMI để mở rộng hiện diện của Mỹ trong chiến lược chung của toàn khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, TQ đến năm 2015 mới cho thành lập một thiết chế đối trọng là Diễn đàn hợp tác Mekong - Lan Thương và sử dụng các khoản viện trợ, đầu tư và biện pháp ngoại giao để kéo các quốc gia hạ lưu vào các dự án phát triển chung. Dù vậy, việc Bắc Kinh muốn thông qua diễn đàn này để thay thế luôn Ủy hội sông Mekong (MRC) - vốn do Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam độc lập tổ chức và quản lý - khiến các nước này nghi ngờ động cơ thật sự của Bắc Kinh. Mặt khác, việc Bắc Kinh không chia sẻ dữ liệu sông Mekong, không cho năm nước hạ lưu có tiếng nói trong tiến trình xả nước đập thủy điện và điều chỉnh dòng nước đã khiến kế hoạch của Bắc Kinh phản tác dụng.
“Chúng tôi thực sự khuyến khích TQ hợp tác với MRC chứ không phải là tìm cách gạt MRC sang một bên bằng cách thành lập một tổ chức riêng mà họ nắm quyền kiểm soát” - Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Michael DeSombre cho hay.
Mỹ lên án Trung Quốc tận diệt môi trường biển ở Ecuador Ngày 2-8 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trên trang Twitter cá nhân đã đăng tải dòng trạng thái cảnh báo TQ cần ngừng ngay các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển ngoài khơi Ecuador. “Đã đến lúc TQ phải chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá không bền vững, vi phạm pháp luật và làm suy thoái môi trường biển. Mỹ sẽ sát cánh cùng Ecuador trong nỗ lực yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoàn toàn việc tổ chức đánh bắt cá bất hợp pháp, không xin phép trước và không có kiểm soát” - ông Pompeo nêu rõ. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm tàu cá TQ bị phát hiện tập trung ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh quần đảo Galapagos của Ecuador tuần trước. Theo tờ The Guardian, khu vực nói trên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới từ năm 1978. Đây cũng là nơi bảo tồn nhiều sinh vật quý hiếm như cá nhám voi hay cá mập đầu búa. |