Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải củng cố lòng tin chiến lược

Tối 31-5, tại hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ 12 (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu khai mạc với tựa đề Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á.

Theo trang web chính phủ, mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng ghi nhận châu Á-Thái Bình Dương luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình vì từng bị chia rẽ sâu sắc do chiến tranh; muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược.

Ba điểm quan trọng

1. Thách thức còn nhiều

Với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn thì bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực. Trong những năm qua, khu vực không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức về hòa bình và an ninh.

Thủ tướng cho biết những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến biển Đông, đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.

Trong khi đó, các nguy cơ xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, ly khai, bạo loạn, khủng bố, an ninh mạng… vẫn hiện hữu. Những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nguồn nước… ngày càng trở nên gay gắt.

Do đó, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự thì sẽ không có kẻ thắng, người thua mà tất cả cùng thua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải củng cố lòng tin chiến lược ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chính tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore tối 31-5. Ảnh: TTXVN

2. Tuân thủ luật pháp quốc tế

Để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung cần phải được tôn trọng.

Các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau.

Các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Thủ tướng nói khu vực có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới. Sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế hợp tác trong khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

3. ASEAN đồng thuận

Khu vực cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng chứ không phải một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn.

ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có COC phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam khao khát hòa bình

Về quan điểm của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận:

- Trong lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra; Việt Nam luôn khao khát hòa bình.

- Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

- Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

- Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Ngày 31-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chào xã giao Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam và hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tổng thống và thủ tướng Singapore nhất trí phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Hai thủ tướng đã chứng kiến lễ trao giấy phép bổ sung cho dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi (tổng mức đầu tư khoảng 2 tỉ USD) cho Tập đoàn Sembcorp của Singapore.

Việt Nam và Singapore đã cơ bản hoàn tất Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Singapore trong năm 2013.

LÊ LINH - NGỌC LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm