Trung Quốc rượt đuổi Mỹ về trí tuệ nhân tạo

Đầu tháng 9, ông Michael Kratsios - Phó Cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách công nghệ thừa nhận dù hiện tại Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng Trung Quốc (TQ) đang rút ngắn khoảng cách rất nhanh.

Với vai trò là người đứng đầu về chính sách công nghệ của Mỹ, ông Kratsios là một nhân tố then chốt trong việc xác định các ưu tiên và các sáng kiến chiến lược về công nghệ của Mỹ. Thời gian qua ông Kratsios đã cố vấn cho Tổng thống Trump rất nhiều chính sách công nghệ.

TQ đang bắt kịp rất nhanh

Hồi tháng 8, Trung tâm CDI (Mỹ) chuyên nghiên cứu về dữ liệu, công nghệ và chính sách công công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang dẫn đầu thế giới về AI, TQ đứng thứ hai, đang bắt kịp rất nhanh và Liên minh châu Âu đang đứng thứ ba.

Theo ông Kratsios, Mỹ đứng đầu thế giới trong cuộc đua AI ở nhiều phương diện. Mỹ có nhiều chương trình nghiên cứu AI hàng đầu, có nhiều nhà nghiên cứu AI hàng đầu, có nhiều công ty AI hàng đầu. Lượng tiền các công ty Mỹ chi cho nghiên cứu và phát triển AI cao hơn sáu lần so với mức chi của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, TQ ngày càng chi nhiều tiền hơn cho lĩnh vực này và có thể không lâu nữa lượng chi sẽ vượt qua Mỹ.

Lo ngại TQ vượt mặt, ông Kratsios lên tiếng kêu gọi “sức mạnh tập thể” từ cả chính phủ Mỹ và lĩnh vực tư nhân Mỹ nhằm mục tiêu giữ nước Mỹ chạy trước TQ trong cuộc đua giữ vị trí hàng đầu về AI toàn cầu. Lo ngại của ông Kratsios hoàn toàn có cơ sở. Một nghiên cứu mới của ĐH Georgetown (Mỹ) cho thấy Mỹ đang có rủi ro đánh mất vị trí đứng đầu về AI.

Theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc này là việc Mỹ thắt chặt các chính sách nhập cư, cộng thêm việc các đối thủ ngày càng chú ý kéo nhân lực AI làm việc tại Mỹ sang nước mình. Phần lớn lao động trong lĩnh vực AI và sinh viên học các chương trình liên quan AI ở Mỹ không phải là người gốc Mỹ. Cụ thể, 59% nhà khoa học máy tính làm việc ở Mỹ có bằng tiến sĩ là người được sinh ở các nước khác, 65% chuyên gia về máy tính và toán học ở Thung lũng silicon không phải là công dân Mỹ. Phần lớn chuyên gia công nghệ và sinh viên quốc tế học các lĩnh vực liên quan AI đến từ Ấn Độ và TQ.

Robot được trưng bày tại hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải (TQ) hồi tháng 8. Ảnh: BLOOMBERG

Một nhân viên điều khiển robot bằng điều khiển từ xa tại hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải (TQ). Ảnh: THX

Mỹ đang mất dần lợi thế?

Tổng thống Mỹ Trump hồi tháng 2 ký một sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang ưu tiên chi tiền cho nghiên cứu và phát triển AI. Hồi tháng 7, Viện Paulson (Mỹ) chuyên thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung đề xuất Mỹ nên chú trọng hơn việc nhập khẩu các tài năng AI từ nước ngoài.

Hiện nay có khoảng 300.000 nhà nghiên cứu và kỹ sư AI trên toàn cầu nhưng nhu cầu thị trường lại tới hàng triệu, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Tencent (TQ). 

Tuy nhiên, thực tế thì thời gian qua chính phủ Trump đặt nhiều rào cản với các nhân sự AI nước ngoài muốn có visa vào nước Mỹ làm việc. Nhiều quan chức Mỹ trong đó có Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christophe Wray xem sinh viên TQ sang học ở Mỹ là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh quốc gia Mỹ. Một số giáo sư người Mỹ gốc Trung bị sa thải khỏi các trường đại học vì bị cáo buộc không khai báo quan hệ với các cơ quan bên TQ.

Trong khi đó, nhiều nước đã đưa vào thực hiện và mở rộng các chương trình cấp visa làm việc để thu hút lao động AI về nước mình, nhằm giải quyết việc thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này. Chẳng hạn Canada, Anh, Pháp đã áp dụng chương trình cấp visa tạm thời cho các lao động nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực phát triển công nghệ.

Hai năm trước, Hội đồng Nhà nước TQ công bố một lộ trình vạch ra mục tiêu đưa nước này trở thành nước đứng đầu toàn cầu về AI vào năm 2030. Thời điểm đó, chính phủ TQ tuyên bố sẽ bằng mọi cách thu hút các nhà khoa học hàng đầu về AI trong các lĩnh vực con như hệ thống máy tính mô phỏng bộ não người, học máy (machine learning) xe tự lái, robot thông minh… bằng cách đưa ra các gói ưu đãi cạnh tranh.

TQ cũng có kế hoạch ngàn tài năng - chương trình tuyển mộ hàng đầu của TQ với lao động AI. Kế hoạch này càng làm cho Mỹ thêm lo lắng về nguy cơ gián điệp từ TQ. Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ mô tả chương trình này của TQ là tạo điều kiện để điều chuyển hợp pháp và cả bất hợp pháp công nghệ, tài sản trí tuệ của Mỹ sang TQ.

Thị trường việc làm trong lĩnh vực AI rất căng trên toàn cầu, lượng cung không là bao so với nhu cầu. Báo cáo của các nhà dự báo thị trường lao động AI đề cập rõ điều này. Trên trang web việc làm Glassdoor, số lượng lao động trong lĩnh vực AI đăng thông tin tìm việc đã giảm một nửa trong vòng 11 tháng gần đây và Glassdoor dự đoán nhu cầu tuyển lao động trong lĩnh vực này sẽ còn áp đảo nguồn cung trong ít nhất năm năm nữa. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm