Tỉ phú của Mỹ - ông Peter Thiel đã cáo buộc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc (TQ), đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ tiến hành điều tra gã khổng lồ công nghệ này, đài CNBC cho hay.
Ông Thiel kêu gọi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) điều tra mối quan hệ với TQ của Google và cáo buộc công ty này đã làm việc với quân đội TQ.
Google bắt đầu ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở TQ năm 2010, sau khi bị Bắc Kinh ban hành lệnh cấm. Tuy nhiên, một báo cáo được đưa ra năm ngoái cho rằng Google đang tìm cách tung ra một phiên bản công cụ tìm kiếm mới đáp ứng được các đòi hỏi kiểm duyệt của TQ. Google cũng đã thừa nhận điều này và cho rằng dự án đang ở giai đoạn đầu.
Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và ứng dụng trên Google Play
Một trong những cáo buộc của ông Thiel nhấn mạnh rằng gián điệp TQ đã xâm nhập vào các dự án AI của Google. Tuy nhiên, vị tỉ phú đầu tư này không cung cấp bất cứ bằng chứng nào.
Trên thực tế, Google hiện triển khai nhiều dự án AI ở TQ từ năm 2017. Trên trang web của mình, Google cho biết nghiên cứu AI ở quốc gia đông dân nhất thế giới này tập trung vào giáo dục và cái gọi là hiểu ngôn ngữ tự nhiên, trong đó đề cập đến một kỹ thuật AI giúp máy móc hiểu hơn về ngôn ngữ của con người.
Bên cạnh đó, Google đang tìm cách áp dụng AI để biến quảng cáo trở nên hiệu quả hơn. Điều này có thể rất quan trọng với Google khi đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Các công trình nghiên cứu tại TQ cũng đang đóng góp sản phẩm AI cho hoạt động của Google trên toàn cầu, chẳng hạn như TensorFlow. Đây là một thư viện mã nguồn mở, cho phép các công ty khác phát triển những sản phẩm AI.
Hiện nay, những gã khổng lồ như Alibaba và Tencent đang thống trị thị trường điện toán đám mây ở TQ. Vì vậy, chiến thuật kinh doanh của Google là cố gắng bán các sản phẩm trong lĩnh vực điện toán đám mây của mình cho các công ty TQ có hoạt động ở Đông Nam Á và các nơi khác.
Khâu tuyển dụng của Google ở TQ cho thấy công ty này đang tìm kiếm kỹ sư điện toán đám mây, quản lý dữ liệu, vai trò phát triển kinh doanh và bán hàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Công ty cũng đang thuê nhân sự nhằm vào các khách hàng cụ thể trong những ngành công nghiệp từ truyền thống tới giải trí và sản xuất.
Google với cáo buộc làm việc cho Trung Quốc. Ảnh: CNBC
Để đối phó với việc Google Play Store bị chặn, Google đang hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng TQ và đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Hiện tại Google đang tìm kiếm hai người có thể đảm nhận vị trí quản lý phát triển liên quan tới các sản phẩm được đưa lên Google Play Store ở TQ.
Quảng cáo là một phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Google. do bị chặn tại TQ nên họ không thể bán quảng cáo trên đó. Vì vậy công ty này tập trung vào các doanh nghiệp TQ muốn quảng cáo trên nền tảng của Google ở nước ngoài, bao gồm công cụ tìm kiếm, YouTube hoặc các sản phẩm khác.
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Google tại TQ chủ yếu nhằm tới các doanh nghiệp TQ muốn quảng bá ở nước ngoài trên nền tảng của họ. Hiện tại, phía Mỹ cũng đang chỉ đưa Google vào diện xem xét để xem hoạt động của họ có vi phạm các quy định của Mỹ hay không. Trong vụ việc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa nhiều biện pháp cứng rắn, đồng thời tuyên bố chính quyền của ông sẽ soi xét vụ việc.
“Tỉ phú kiêm nhà đầu tư công nghệ Peter Thiel tin rằng Google nên bị điều tra vì tội phản quốc. Ông ấy cáo buộc Google làm việc với chính phủ TQ. Chính phủ Mỹ sẽ xem xét điều này” - Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 16-7. |
Phản ứng của Google trước các cáo buộc
Trước các cáo buộc có liên hệ với chính phủ TQ, người phát ngôn Google Riva Sciuto cho biết trong một thông báo nhằm phản bác cáo buộc của ông Thiel: “Như đã nói trước đó, chúng tôi không làm việc với quân đội TQ. Chúng tôi đang làm việc với chính quyền Mỹ, bao gồm Bộ Quốc phòng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh mạng, tuyển dụng và chăm sóc sức khỏe” - theo Washington Post.
Đồng thời qua email, Google tái khẳng định: “Như chúng tôi khẳng định trước đây, chúng tôi không làm việc với quân đội TQ. Chúng tôi đang làm việc với chính quyền Mỹ, bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh mạng, tuyển dụng và chăm sóc sức khỏe”.
Tuy nhiên, ông Karan Bhatia, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ và chính sách công của Google, từ chối cam kết sẽ không kiểm duyệt thông tin ở TQ hoặc cho phép bên thứ ba kiểm tra về chính sách nội dung của Google.
Đàm phán Mỹ-Trung lại đóng băng vì Huawei Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và TQ đã bị đình trệ cho đến khi Nhà Trắng xác định cách giải quyết yêu cầu của TQ về việc giảm bớt các hạn chế đối với Huawei, tờ The Wall Street Journal cho hay. Mặc cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản cuối tháng trước đã thống nhất nối lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vấn đề chip bán dẫn nào có thể được bán cho Huawei mà không gây lo ngại về bảo mật vẫn còn gây tranh cãi. Ông Trump hôm 16-7 còn dọa sẽ áp thuế thêm đối với 325 tỉ USD hàng TQ. Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đã bổ sung Huawei vào danh sách đen, đồng nghĩa với việc cấm các công ty Mỹ làm ăn với gã khổng lồ công nghệ của TQ, trừ khi họ được sự cho phép đặc biệt của Nhà Trắng cùng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề này với lý do an ninh. Dù lệnh cấm của Mỹ đã gây thiệt hại lớn cho công ty nhưng người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, cho biết công ty sẽ đạt doanh thu 30 tỉ USD trong những năm tới nhờ lệnh cấm. Cuộc chiến thương mại cũng cản trở sự phát triển với nền kinh tế TQ. Theo dữ liệu được công bố hôm 15-7, chỉ số tăng trưởng kinh tế của TQ chỉ đạt 6,2% trong quý thứ hai, thấp nhất trong 27 năm qua. |