Trung Quốc vẫn viện trợ 31 triệu USD cho Afghanistan dù Taliban thất hứa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9, Trung Quốc tuyên bố sẽ viện trợ 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 31 triệu USD), bao gồm thực phẩm và vaccine COVID-19 cho Afghanistan, theo tờ South China Morning Post.

Vẫn viện trợ dù Taliban không giữ đúng lời hứa?

Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã công bố khoản tài trợ này trong một cuộc họp với các đối tác từ Pakistan, Iran và Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ làm việc với các nước trong khu vực để giúp Afghanistan xây dựng lại nền kinh tế và xã hội, cũng như chống lại các nhóm khủng bố và buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Đồng sáng lập Taliban - Mullah Abdul Ghani Baradar (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 28-7. Ảnh: HINDUSTAN TIMES

Việc hỗ trợ cho Taliban được thực hiện sau khi nhóm đáp ứng điều kiện của Trung Quốc đặt ra là "công bố một chính quyền lâm thời ở Afghanistan".

Ngày 7-9, Taliban đã công bố một nội các mới với chỉ toàn nam giới, do sắc tộc Pashtun thống trị, gồm các nhân vật cấp cao nổi tiếng với sự cai trị cứng rắn trong những năm 1990. Những người này chịu trách nhiệm gây ra các cuộc tấn công chống lại các lực lượng quốc tế do Mỹ lãnh đạo trong 20 năm qua.

Chính phủ lâm thời sẽ do Mullah Mohammad Hassan Akhund - một trong những người sáng lập Taliban lãnh đạo và hiện đang nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Đứng đầu cơ quan Nội vụ sẽ là Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani thuộc phe phiến quân Taliban, vốn đang là một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tuy nhiên, việc chọn thành viên nội các mới đã không tuân thủ các cam kết của Taliban trước thế giới về việc thiết lập một chính phủ toàn diện, bao gồm cả những người không thuộc Taliban.

Dù vậy, ông Vương vẫn cho biết Trung Quốc "sẵn sàng duy trì liên lạc với chính phủ mới của Afghanistan", và lặp lại lời kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với tất cả các nhóm khủng bố, đặc biệt là Phong trào Hồi giáo Turkestan - vốn bị Bắc Kinh cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công trong quá khứ ở Tân Cương.

"Trung Quốc vẫn đang thận trọng"

Trung Quốc là một trong những cường quốc đầu tiên thiết lập liên lạc với Taliban sau khi lực lượng này lật đổ chính phủ Afghanistan và giành quyền kiểm soát đất nước kể từ tháng trước.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul vẫn mở cửa và đặc phái viên hàng đầu của nước này tại nước này đã gặp các quan chức cấp cao của Taliban. Trong tuần qua, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Wu Jianghao đã có cuộc điện đàm với Abdul Salam Hanafi - phó giám đốc văn phòng của Taliban tại Qatar.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận chế độ do Taliban lãnh đạo mặc dù có nhiều đồn đoán rằng họ có thể lấp khoảng trống mà Mỹ để lại ở Afghanistan. Các nhà quan sát và hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ theo dõi các diễn biến một cách thận trọng và không vội vàng đưa ra sự chứng thực chính thức.

Ông Zhang Jiadong, GS quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nói rằng sự thiếu tính bao trùm sẽ có tác động tiêu cực đến quan điểm của Trung Quốc về chế độ Taliban.

"Các vị trí cốt lõi của chính phủ mới đều do thành viên Taliban đảm nhiệm, trong số đó có người thuộc chế độ cầm quyền Taliban vào những năm 1990. Không có bất kỳ cựu quan chức chính phủ Afghanistan hoặc đại diện của các nhóm khác trong các vị trí chính" - ông nói.

Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, muốn thấy rằng chính phủ Afghanistan có tính bao trùm và có thể đại diện cho các phe phái và nhóm dân tộc khác nhau trong nước, chứ không chỉ là một chính phủ Taliban.

"Nếu đó chỉ là một chính phủ của Taliban, thì chính phủ Trung Quốc sẽ rất khó để đối phó với nó. Bắc Kinh có nhiều lý do hơn để công nhận một chính phủ hòa nhập. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và cả cộng đồng quốc tế sẽ thực hiện cách tiếp cận chờ đợi và không vội vàng công nhận chính phủ mới" - ông nhận định.

Trong khi đó, ông Sun Yu - chuyên gia an ninh Á-Âu tại Uzbekistan dự đoán Bắc Kinh sẽ đánh giá các chính sách của Taliban nhiều hơn là những gương mặt trong chính phủ mới.

"Vì không thể xác định được Taliban sẽ thực hiện những chính sách gì và tình hình tương lai ở Afghanistan sẽ diễn biến như thế nào, chính phủ Trung Quốc đang đối xử với chính phủ mới một cách thận trọng" - ông Sun nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm