Từ chức thủ tướng, ông Abe để lại di sản gì cho nước Nhật?

Hôm 28-8, ông Shinzo Abe - người giữ chức thủ tướng Nhật Bản trong thời gian lâu nhất - đã chính thức tuyên bố từ chức vì vấn đề sức khỏe, theo đài truyền hình NHK.

Trong bài phát biểu của mình, ông nói quyết định rời ghế thủ tướng vì không muốn căn bệnh của mình làm ảnh hưởng đến việc ra quốc sách quan trọng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo ngày 28-8 ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP


Đây là lần thứ hai ông từ chức vì vấn đề sức khỏe khi đang tại vị. Lần đầu tiên là vào năm 2007 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình

Mặc dù rút lui khi còn một năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, trong hơn 2.800 ngày cầm quyền của mình, ông đã để lại các di sản quan trọng cho đất nước mặt trời mọc.

Abenomics

Sau khi trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe đã triển khai chính sách kinh tế với tên gọi Abenomics. Với chính sách của mình, ông đưa ra ba mục tiêu chính: Nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu - để phục hồi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau nhiều năm thấp dưới mức tăng trưởng và giá cả giảm, theo đài Al Jazeera.

Abenomics đã đạt được thành công bước đầu khi chương trình kích thích "bazooka" của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thúc đẩy tâm lý kinh doanh và góp phần quan trọng vào việc hạ giá đồng yen trên thị trường hối đoái và kích thích xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chính sách này đã thu hút một lượng lớn đầu tư từ nước ngoài, đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết của Nhật Bản lên mức kỷ lục 31,7% trong năm 2014 từ 28% năm 2012. Và vào năm 2019, tỉ lệ này là 29,6%.

Tuy nhiên, việc ông Abe từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm sau đã để lại nhiều vấn đề còn dang dở cho người kế nhiệm.

Nỗi thất vọng lớn nhất đối với thủ tướng và nhiều nhà quan sát Nhật Bản là những cải cách trong mục tiêu thứ ba nhằm định hình lại nền kinh tế đang gặp khó khăn do năng suất thấp, dân số già nhanh và thị trường lao động cứng nhắc, đang tỏ ra “khó nắm bắt”.

Kết hợp an ninh và kinh tế


Từ khi quay lại ghế thủ tướng vào nhiệm kỳ hai, ông Abe đã đưa Nhật Bản vào một giai đoạn ổn định về chính trị hiếm hoi. Những thành tựu đó đạt được nhờ vào các chủ trương đúng đắn của chính quyền ông Abe nhằm phát huy vai trò của Tokyo trong trật tự thế giới và việc xoay sở linh hoạt khi bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, ông đã thể hiện vai trò của Nhật Bản khi chủ trương xây dựng một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như phát huy tiếng nói của Tokyo trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đài RFI.

Về mặt kinh tế, ông đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giữa các nước trong khu vực thông qua việc phát triển internet và công nghệ số. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an ninh, ông tăng cường khả năng phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản và thúc đẩy tự do hàng hải.

Cuộc gặp giữa ông Shinzo Abe gặp ông Donald Trump ngày 25-5-2019. Ảnh: REUTERS

Có thể nói, Nhật Bản đã thay thế vai trò của Mỹ trong việc dẫn dắt các nỗ lực đàm phán để đạt được Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Ngoài ra, trong tầm nhìn của mình, ông luôn tìm kiếm một sự cân bằng về An ninh và kinh tế.

Đài RFI dẫn lời bà Céline Pajon - một nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp cho rằng ông Abe đã khôn khéo khi giúp Nhật Bản giữ được thế cân bằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc xung đột gay gắt trên nhiều mặt trận. 

Ông đã lãnh đạo Nhật Bản trong vai trò là đồng minh chiến lược của Mỹ và là đối tác kinh tế không thể thiếu đối với Trung Quốc, theo bà Pajon.

Để thực hiện điều này, mặc dù giữa Tokyo và Bắc Kinh có tranh chấp ở đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/ Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc), Thủ tướng Abe luôn linh hoạt để tìm cách hòa giải và không làm mất lòng Trung Quốc.

Hiệp ước hòa bình với Nga và thay đổi hiến pháp

Với tư cách là người có thời gian nắm quyền cao nhất của xứ mặt trời mọc, ông Shinzo Abe đã duy trì được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Shinzo Abe duy trì được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS


Trong thông báo từ chức của mình, ông Abe nói ông tiếc nuối khi rời ghế thủ tướng mà chưa ký được một hiệp ước hòa bình với Nga cũng như chưa thay đổi được Hiến pháp Hòa bình có hiệu lực từ năm 1947.

“Tôi rất tiếc khi phải rời nhiệm sở mà chưa ký được một hiệp ước hòa bình với Nga, và thông qua một bản hiến pháp sửa đổi” – ông Abe nói ngày 28-8.

Tranh chấp lãnh thổ tại bốn hòn đảo ở Chishima (cách gọi của Nhật) /Kuril (cách gọi của Nga đã làm xấu đi quan hệ Moscow-Tokyo trong nhiều thập niên. Chính căng thẳng này đã ngăn cản hai nước ký một hiệp ước hòa bình chính thức dù Chiến tranh Thế giới thứ II đã kết thúc cách đây 75 năm.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2017, thủ tướng Nhật Bản khẳng định đã đến thời điểm thích hợp thực hiện “bước đi lịch sử” trong việc cải cách Hiến pháp hòa bình năm 1947. Theo ông Abe, việc thay đổi là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng và khó kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm