Hôm 28-5, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc hiện đang làm việc trên tàu sân bay HMAS Canberra, ông Euan Grahamm, cho biết phi công của lực lượng trực thăng trên tàu đã bị chiếu tia laser vào thẳng mặt khi bay ngang qua những tàu “giống tàu đánh cá” ở biển Đông. Năm 2018, hải quân Trung Quốc (TQ) đã phát đi cảnh báo đối với các tàu hải quân Úc khi đi ngang biển Đông.
Được biết các tàu hải quân Úc đang tham gia nhiệm vụ nỗ lực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2019 với đội hình bốn tàu chiến, máy bay cùng hơn 1.200 thủy thủ thực hiện hành trình kéo dài ba tháng tới bảy quốc gia châu Á, theo đài CNN.
Trước đó, Thiếu tướng Không quân Úc Richard Owen nói nhóm tàu chiến Úc đã thực hiện hai lượt qua lại biển Đông trong sự giám sát chặt chẽ của quân đội TQ. Ông cho biết: “Khu vực này đang có tranh chấp, chúng tôi biết rất rõ điều đó. Chúng tôi đi về phía Bắc và quay về theo hướng Nam qua vùng nước theo quy định của luật quốc tế trên biển Đông và đoàn chúng tôi có sự tham gia của hải quân một số nước khác”.
Vị này nói thêm: “Chúng tôi rất nhạy với các hoạt động hải quân, chúng tôi biết họ sẽ phản ứng thế nào và chúng tôi sẽ ứng xử ra sao, vì thế chúng tôi không có gì phải lo lắng, bởi tôi tin vào năng lực của hải quân hoàng gia cũng như quân đội Úc”.
Phi công hải quân Úc trên tàu sân bay HMAS Canberra. (Nguồn: ROYAL AUSTRALIAN NAVY)
Những lo ngại của Canberra
Mặc dù biển Đông cách thủ đô Canberra hơn 6.000 km nhưng hoạt động của Bắc Kinh ở vùng biển này gây lo ngại sâu sắc trong giới quân sự và ngoại giao ở Úc.
Với Úc, những hành động của TQ thời gian qua ở biển Đông là dấu hiệu xoay chuyển trục quyền lực toàn cầu. TQ dù thiếu có cơ sở pháp lý vẫn đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông. Họ chiếm đóng trái phép, cải tạo các bãi đá, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa khu vực họ chiếm đóng trái phép ở biển Đông.
Người Úc lo lắng bởi khu vực này là một tuyến hàng hải quan trọng với hơn một nửa lượng than đá, quặng sắt và khí hóa lỏng của Úc đi qua vùng biển này tới các nước nhập khẩu. Họ có lợi ích và động lực để duy trì sự lưu thông tự do của hải lộ này.
Quan ngại thứ hai của Canberra là việc TQ đang thách thức “trật tự thế giới dựa trên luật pháp”. Bắc Kinh lâu nay luôn tìm cách diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ, bất chấp cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế. Thậm chí Bắc Kinh còn phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trong vụ Philippines kiện TQ. Theo đó, tòa đã phủ nhận các cơ sở pháp lý của đường chín đoạn mà TQ vạch ra.
Điều lo ngại kế tiếp của Úc, theo GS Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc, là Canberra đang lâm vào thế khó. Bởi lẽ Mỹ là đồng minh quân sự quan trọng nhất của Úc trong khi TQ là đối tác thương mại lớn nhất. Nếu ứng xử không hợp lý, tam giác quan hệ này sẽ đổ vỡ và Úc sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Ít nhất có sáu quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đã đưa tàu chiến tới vùng nước này trong vòng ba năm qua, bao gồm Úc, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ. Biển Đông là một trong những hải lộ thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với số lượng hàng hóa ước tính trị giá hơn 5.000 tỉ USD. (Theo trang ABC NEWS) |
Những lần đụng độ trên biển Đông
Tháng 4-2018, ba tàu HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success của Úc tuyên bố đã bị các tàu chiến TQ “thách thức” khi đang trên đường tới Việt Nam trong một chuyến thăm hữu nghị. Trước đó, Bắc Kinh đã nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai nguồn lực tới các thực thể ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép.
Thủ tướng Úc lúc đó, ông Malcolm Turnbull, đã lên án hành vi cản trở quyền đi lại của tàu Úc trên biển Đông tuân theo luật pháp quốc tế. “Chúng tôi duy trì và thực thi quyền tự do hàng hải, tự do hàng không khắp thế giới. Và trong bối cảnh này, chúng tôi đang nói về tàu chiến trên các đại dương, bao gồm biển Đông và đó là quyền của chúng tôi chiếu theo luật pháp quốc tế” - ông Turnbull tuyên bố.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng TQ nói những gì phía Úc tuyên bố là không đúng với thực tế. “Hoạt động của TQ là đúng luật và chiếu theo các công ước quốc tế” - phía TQ khẳng định.
Ông Neil James, Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Úc - một tổ chức nghiên cứu chính sách an ninh, nhận định hành động phát cảnh báo trên radio của TQ mang ý nghĩa rằng “tàu Úc đang trong vùng nước chủ quyền của TQ”.
Ngoài ra, GS Euan Grahamm thuộc tàu HMAS Canberra cũng cho rằng sự hiện diện thường trực của các tàu TQ nhằm bám đuôi tàu thuyền nước ngoài cho thấy hạm đội TQ đã duy trì các tàu này chỉ để nhận lệnh hành động.
Cạnh tranh Nam Thái Bình Dương Bên cạnh tranh chấp quyền lợi ở khu vực biển Đông, TQ cũng đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ngay cả những nơi được xem là “sân sau”, ngay sát sườn Úc. Theo tờ The Conversation, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Úc Scott Morrison trong năm 2019 là Vanuatu và Fiji, hai đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương. Chuyến thăm hiện thực hóa ưu tiên ngoại giao của Úc được vạch ra từ năm 2017: “Đẩy mạnh sự can dự của chúng ta ở Thái Bình Dương”. Cần phải nhắc lại rằng chuyến thăm gần nhất của một thủ tướng Úc tới Vanuatu là vào năm 1990, khi ông Bob Hawke đang nắm quyền. Sự thiếu vắng của người Úc đã được Bắc Kinh khỏa lấp. Trong nhiều năm, TQ đã tăng cường sự hiện diện ở Nam Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Thủ tướng Morrison diễn ra trong lúc có tin TQ đã bắt đầu xây căn cứ quân sự ở Vanuatu từ năm 2018, dù nước chủ nhà nhanh chóng bác bỏ tin này. Chủ đề chính của chuyến thăm được cho là tập trung nhiều vào chuyện quân sự. Ông Morrison nói việc Úc giúp Vanuatu xây dựng lực lượng cảnh sát và an ninh nhằm “đảm bảo ổn định khu vực”. Hai bên được cho là cũng bàn thảo xây dựng thỏa thuận về an ninh. Canberra đã có quan hệ quốc phòng với các đảo quốc khác trong khu vực Thái Bình Dương như Papua New Guinea và Fiji. Tháng 8 năm ngoái, Úc đã vượt qua TQ trong việc tài trợ cho quân đội Fiji xây dựng căn cứ quân sự Black Rock trên lãnh thổ đảo quốc này. Các hoạt động của TQ tại khu vực, với chương trình phát triển hạ tầng “Vành đai và Con đường”, đã buộc Úc không thể ngồi yên. Các đảo quốc nếu tách ra chỉ là vài hòn đảo nhỏ nhưng nếu xem xét chúng theo góc độ một vùng quần thể với tài nguyên thiên nhiên dồi dào là nguồn lợi rất lớn mà các cường quốc khó bỏ qua. |