Trung Quốc bị tố 'gây khó dễ' tàu, máy bay ở Biển Đông

Theo hãng tin CNN hôm 29-5, các phi công tấn công bằng laser thuộc lực lượng trực thăng trên tàu sân bay HMAS Canberra. Nhân chứng của vụ việc là ông Euan Graham - một nhà nghiên cứu thuộc Viện chính sách chiến lược Úc hiện đang làm việc trên tàu.

Ông Graham thừa nhận ông không trực tiếp chứng kiến cảnh các phi công bị chiếu laser nhưng rất nhiều người đã kể với ông về các sự cố tương tự trên Biển Đông.

Trực thăng quân sự hoạt động trên tàu HMAS Canberra của Úc. Ảnh: AP

"Một số phi công đã bị rọi laser vào mặt khi bay ngang qua các tàu nhìn như tàu đánh cá, buộc họ phải hạ cánh khẩn cấp vì lý do y tế", Euan Graham kể với CNN.

Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc hiện đang duy trì số lượng lớn lực lượng dân quân biển ở Biển Đông. Lực lượng này hoạt động trên các tàu cá và thực hiện những nhiệm vụ không liên quan tới chiến tranh.

Lâu nay, Trung Quốc khẳng định Biển Đông là tuyến đường biển chiến lược thiết yếu, do đó Bắc Kinh đặc biệt “nhạy cảm” với hoạt động của lực lượng hải quân nước ngoài trên Biển Đông như Mỹ và các đồng minh bao gồm Úc. Trung Quốc cũng chiếm giữ và cải tạo trái phép một số thực thể ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc sử dụng laser không phải là chuyện hiếm gặp. Họ thường làm như thế để cảnh báo các tàu khác đang đi quá gần và có thể va chạm gây nguy hiểm. Tuy nhiên, chuyên gia người Úc cho rằng lần chiếu laser này không hoàn toàn vô hại mà được chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước.

"Laser rõ ràng là có ý nghĩa giữa những tàu đánh cá với nhau, nhưng trực thăng thì đe dọa hay va chạm thế nào được với tàu đánh cá trên Biển Đông. Tôi nghĩ đó chỉ có thể là dân quân biển và đây là một chiến thuật có chủ đích rõ ràng" - Ông Graham khẳng định. 

Trước đó, trong một thông cáo mới đây, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc cho biết các lực lượng hoạt động ở nhiều khu vực thông báo về sự gia tăng về số lượng các sự cố bị tấn công bằng laser.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi được liên hệ đã không phản hồi. "Trung Quốc rõ ràng đang muốn gây khó dễ các máy bay và tàu chiến của nước ngoài trên Biển Đông", chuyên gia Úc nhận định.

Các phi công quân sự Úc không phải là nạn nhân duy nhất. Vào năm 2018, một quan chức Quốc phòng Mỹ tiết lộ có ít nhất 20 vụ chiếu laser nghi do Trung Quốc thực hiện ở phía Đông Thái Bình Dương từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018.

Khi được phỏng vấn, các phi công cho biết họ cảm thấy mắt bị chói, đau và xuất hiện nhiều đốm đen khi nhìn xung quanh. Theo Giáo sư John Marshall thuộc Viện mắt Đại học London, hiệu ứng lóa mắt do laser có thể gây ra mù lòa tạm thời nhưng tạo ra hậu quả "khủng khiếp”.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động ở Biển Đông, tàu sân bay HMAS Canberra của Úc còn bị một chiến hạm của Trung Quốc bám đuôi hai lần hồi đầu tháng 5 năm 2019 khi đang di chuyển qua khu vực phía bắc và phía nam Biển Đông dù tàu chiến Úc không hề áp sát bất kỳ thực thể nhân tạo nào bị Bắc Kinh chiếm đóng và kiểm soát trái phép, theo lời ông Euan Graham.

Giáo sư Graham cũng cho rằng sự hiện diện thường trực của các tàu Trung Quốc nhằm bám đuôi tàu thuyền nước ngoài cho thấy hạm đội Trung Quốc đã duy trì các tàu “ăn chực nằm chờ” chỉ để nhận lệnh hành động.

HMAS Canberra vừa kết thúc nhiệm vụ Nỗ lực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2019, tham gia đội hình bốn tàu chiến, máy bay cùng hơn 1.200 thủy thủ thực hiện hành trình kéo dài ba tháng tới bảy quốc gia châu Á.

CNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm