Hãng AFP đưa tin cựu công chúa Mako Komuro của Nhật ngày 14-11 đã khởi hành đến Mỹ cùng chồng là anh Kei Komuro.
Cặp vợ chồng đã kết hôn ở Tokyo hồi cuối tháng 10 vừa qua sau nhiều năm bị truyền thông và báo lá cải tấn công về mối quan hệ tình cảm này.
Đoạn phim được phát sóng trên các kênh truyền hình Nhật cho thấy cặp vợ chồng 30 tuổi này được cảnh sát và nhân viên an ninh sân bay bảo vệ nghiêm ngặt.
Vợ chồng cựu công chúa Mako Komuro rời Nhật, bắt đầu cuộc sống mới tại Mỹ. Ảnh: AFP
Cô Mako - cháu gái của Hoàng đế Naruhito - đã từ bỏ địa vị hoàng gia. Theo quy định của luật Hoàng gia Nhật, một thành viên nữ trong hoàng gia phải từ bỏ địa vị của mình nếu kết hôn với thường dân.
Sau khi tuyên bố đính hôn vào năm 2017, vợ chồng Komuro cùng gia đình đã trở thành mục tiêu chỉ trích trên mạng xã hội, liên quan vấn đề tranh chấp tiền bạc của gia đình anh Kei.
Cô Mako được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng phức tạp hậu chấn thương tâm lý vì sự chú ý của giới truyền thông.
"Tôi rất sợ hãi, đau buồn mỗi khi những tin đồn từ một phía biến thành những câu chuyện không có căn cứ" - cô Mako nói trong cuộc họp báo sau khi kết hôn.
Về phía mình, Kei chia sẻ anh cảm thấy "rất buồn khi Mako rơi vào tình trạng tồi tệ cả về tinh thần và thể chất".
"Tôi yêu Mako. Chúng ta chỉ có một cuộc đời và tôi muốn chúng ta dành nó cho người mình yêu" – anh Kei cho hay.
Theo AFP, cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh vợ chồng cựu công chúa Nhật. Động thái chuyển đến Mỹ của họ đã dấy lên sự so sánh khó tránh khỏi với một cặp đôi hoàng gia khác: Hoàng tử Anh Harry và Meghan Markle.
Truyền thông Nhật cho biết vợ chồng cựu công chúa đã chuẩn bị chỗ ở tại New York, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Theo kế hoạch ban đầu, anh Kei sẽ bay đến Mỹ trước, còn cựu công chúa Mako sẽ đến sau vì đợi lấy hộ chiếu.
Tuy nhiên, anh Kei đã ở lại Nhật lâu hơn dự kiến để dự đám tang ông nội của cô Mako.
Tuy không nắm giữ quyền lực chính trị, song Nhật hoàng mang tính biểu tượng quan trọng ở Nhật.
Trong bối cảnh số lượng thành viên hoàng gia nam ngày càng giảm, một cuộc tranh luận liên quan việc thay đổi quy định truyền ngôi đã nổ ra, trong đó các cuộc thăm dò cho thấy công chúng ủng hộ rộng rãi phụ nữ được phép kế vị.
Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ không đến ngay lập tức, nhất là với sự phản đối kịch liệt từ những người theo chủ nghĩa truyền thống tại Nhật.