WHO: 99% dân số trên thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4-4 cho biết có tới 99% người dân trên Trái đất hiện đang hít thở bầu không khí chứa quá nhiều chất ô nhiễm, và chất lượng không khí kém là nguyên nhân dẫn đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo hãng tin AP, dữ liệu mới từ WHO cho thấy đa số khu vực trên thế giới đều đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm không khí, vấn đề này còn đặc biệt tồi tệ hơn nhiều ở các nước nghèo.

"Gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) đang phải hít thở không khí vượt quá giới hạn chất lượng không khí của WHO và đe dọa sức khỏe của tất cả mọi người" - WHO tuyên bố.

Trong báo cáo trước đó của mình cách đây 4 năm, WHO đã tiết lộ rằng có hơn 90% dân số toàn cầu đang bị ảnh hưởng vì ô nhiễm không khí, nhưng kể từ đó, tỉ lệ này đã không thay đổi quá nhiều.

Vào năm ngoái, trong khi dữ liệu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng việc các nước áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt và hạn chế đi lại đã giúp chất lượng không khí được cải thiện trong thời gian ngắn, WHO vẫn cảnh báo rằng ô nhiễm không khí vẫn là một vấn đề đáng báo động.

“Sau khi sống sót qua đại dịch COVID-19, chúng ta không thể chấp nhận được rằng vẫn còn đó 7 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí mà đáng lẽ chúng ta đã có thể ngăn ngừa được” - bà Maria Neira, người đứng đầu bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, cho biết.

Người dân Ấn Độ lái xe trên con đường chìm trong khói bụi bẩn ở New Delhi, vào ngày 5-11-2020. Ảnh: AP

Dựa trên dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 6.000 thành phố và thị trấn của 117 quốc gia trên khắp thế giới, WHO cho biết phát hiện này rất đáng báo động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, những lo lắng về giá năng lượng tăng vọt, một phần do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow gây nên, sẽ giúp thúc đẩy sự thay đổi này.

“Những lo ngại về giá năng lượng hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch hơn, lành mạnh hơn” - ông Tedros nói.

"Giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và sự cấp bách của việc giải quyết các thách thức sức khỏe kép từ ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải chuyển đổi sang một thế giới ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch” - ông Tedros cho hay.

Ngoài ra, báo cáo của WHO còn cho thấy các vấn đề liên quan đến ô nhiễm dạng hạt đang diễn biến tồi tệ hơn nhiều ở các nước nghèo. Hiện có chưa đến một phần trăm các thành phố ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt được ngưỡng chất lượng không khí theo yêu cầu của WHO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm