Nga có thuận lợi thực hiện mục tiêu này hay không? Chuyên gia Richard Heydarian, giáo sư về địa chính trị và kinh tế châu Á, giảng dạy tại ĐH De La Salle và ĐH Ateneo De Manila (Philippines), nghiên cứu viên tại ĐH Quốc gia Chengchi ở Đài Loan, có nhận định về vấn đề này trong bài viết trên trang web đài Al Jareera.
Năm 2012, Nga chi 21 tỉ USD tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Năm sau đó, Tổng thống Vladimir Putin nhắc lại chủ trương xoay trục sang phía đông tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg. Nga ký thỏa thuận năng lượng kéo dài 30 năm với Trung Quốc trị giá 400 tỉ USD. Năm 2016, ông Putin đích thân thăm Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đặc biệt, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, bị phương Tây trừng phạt sâu rộng với hậu quả là suy thoái kinh tế, Nga đã tập trung vào các thị trường béo bở phương Đông, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Hai thập niên qua, Nga xuất khẩu tới 10,7 tỉ USD khí tài quân sự sang Đông Nam Á, làm lu mờ khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc (2,6 tỉ USD) và Mỹ (8,2 tỉ USD).
Tuy nhiên, với việc đưa quân sang Ukraine, Nga đã đặt triển vọng làm ăn với châu Á vào thế nguy hiểm. Các nền kinh tế lớn của khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã ít nhiều trừng phạt Nga. Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đảm bảo sẽ nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Khả năng tới đây Nga sẽ khó xuất năng lượng sang châu Á hơn nữa nếu có thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, cho dù đó là với quốc gia đã ký FTA song phương như Singapore. Đầu năm nay, Indonesia đã hủy thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỉ USD với Moscow để ủng hộ các thỏa thuận với Pháp và Mỹ, một phần do lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây.