Xuống biển tìm đất hiếm

Xuống biển tìm đất hiếm ảnh 1

Một cánh tay robot lấy mẫu dưới đáy biển trong quá trình thăm dò tài nguyên - Ảnh: Guardian

Đòi hỏi phải tìm nguồn đất hiếm bùng nổ từ năm 2010 khi Mỹ và nhiều nước trên thế giới cáo buộc Trung Quốc, nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, hạn chế xuất khẩu loại tài nguyên này. Đất hiếm, với 95% khai thác ở Trung Quốc, được sử dụng trong sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử từ pin điện thoại đến tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch. Nguồn đất hiếm dưới đáy biển được đánh giá rất phong phú, nhưng chưa từng được khai thác ở quy mô công nghiệp.

Các nhà khoa học Nhật năm ngoái đã phát hiện hàng loạt mỏ quặng đất hiếm lớn gần Hawaii (Mỹ) và các khu vực thuộc nam và bắc Thái Bình Dương. Quặng tồn tại dưới dạng bùn và chứa lượng đất hiếm gấp 1.000 lần so với quặng khai thác trên cạn. Phía Nhật ước tính một khu vực rộng cỡ 1km2 có thể đáp ứng 1/5 nhu cầu của thế giới trong một năm. Giới chuyên gia Nhật cho biết có thể khai thác mỏ dễ dàng bằng cách bơm hút bùn lên khỏi đáy biển, ngâm chiết axit để tách lấy đất hiếm trước khi bơm chất thải xuống biển trở lại.

Đổ xô ra biển

Cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính nguồn dự trữ đất hiếm của Trung Quốc hiện khoảng 55 triệu tấn, tương đương một nửa dự trữ toàn cầu. Ấn Độ sở hữu khoảng 3,1 triệu tấn, đứng thứ tư thế giới sau Mỹ và khối các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sở hữu khoảng 19 triệu tấn.

Ấn Độ đã bắt tay xây dựng một nhà máy xử lý đất hiếm tại bang Orissa ở bờ biển phía đông, dự kiến được đưa vào hoạt động trong tháng 9-2012 với công suất 11.000 tấn mỗi năm. New Delhi cũng chi hơn 135 triệu USD mua thêm một tàu thăm dò thứ hai để tìm kiếm đất hiếm ở Ấn Độ Dương. “Tiềm năng là rất lớn” - một quan chức thuộc Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ đánh giá. Một trong những khu vực giàu tài nguyên của Ấn Độ là lòng chảo Trung Ấn với nguồn đất hiếm, đồng, niken, côban... có giá trị hàng trăm tỉ USD.

Ấn Độ cũng lên kế hoạch tập hợp các chuyên gia khoa học hàng hải, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực để thúc đẩy việc khai thác nguồn tài nguyên này. Theo Viện Hải dương học quốc gia Ấn Độ, các chuyên gia của họ đang hoàn thiện hệ thống có khả năng khoan sâu 6.000m.

Không chỉ Ấn Độ, Nhật cũng tìm kiếm đất hiếm ở Đông Nam Á. Nhật đã chi 200 triệu USD cho việc thăm dò dưới đáy biển. Ngoài ra, Tokyo cũng đang thảo luận với New Delhi về cơ hội đầu tư vào nhà máy đất hiếm ở Orissa. Cũng ở Bắc Á, Hàn Quốc đã cho phép công ty nước ngoài được tiếp cận đáy biển để tìm tài nguyên. Tại nam Thái Bình Dương, Công ty Nautilus Minerals (Canada) năm ngoái đã được cấp phép khai thác nguồn đá sulphide, đồng và vàng ở độ sâu 1.600m ngoài khơi bờ biển Papua New Guinea.

Trong khi đó, các nhà khai thác mỏ Mỹ, Úc và Malaysia đang lên kế hoạch hợp tác trong các dự án đất hiếm để bù đắp sự cắt giảm xuất khẩu của Trung Quốc.

Chủ quyền đại dương

Theo giới phân tích, chiến lược đất hiếm của Ấn Độ không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc, nước cũng tham gia khai thác đất hiếm dưới biển. Cuối năm ngoái, Hiệp hội Phát triển và nghiên cứu tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc (COMRA) đã được cấp phép khai thác polymetallic sulphide tại rặng Southwest Indian, nằm giữa kiến tạo địa tầng châu Phi và Nam Cực. Tháng 6-2012, Bắc Kinh đã trình làng tàu lặn Giao Long với khả năng lặn sâu 7.000m để thăm dò đáy biển.

Bộ trưởng Khoa học Trái đất Ấn Độ Ashwani Kumar hồi tháng 7-2012 đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng việc khai thác mỏ dưới đáy biển như một cách tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại nhiều khu vực trên đại dương. “Những quốc gia như Trung Quốc khai thác mỏ dưới đáy biển với một ý đồ chiến lược” - ông Kumar nhận định.

Trong khi đó, Nhật cũng tham gia cuộc đua giành quyền khai thác đáy biển cùng Trung Quốc. Ủy ban Đáy biển quốc tế ngày 31-8 thông báo đã nhận được gần như cùng lúc hai đơn xin cấp phép thăm dò các vùng đáy biển giàu côban ở tây Thái Bình Dương, một trong những khu vực Tokyo phát hiện giàu đất hiếm vào năm ngoái. Một đơn của COMRA và một của Tập đoàn Dầu khí kim loại Nhật.

Tuy nhiên, việc khai thác đất hiếm ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm rất cao đối với môi trường và gây độc hại cho con người.

Theo Trần Phương - Mộc Miên

(TTO / Guardian, Wall Street Journal, The Hindu, Science and Development Network)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm