Đầu tháng này, hãng Reuters dẫn các nguồn tin rằng Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã làm việc với các nhân viên y tế ở Dải Gaza để điều tra tội ác chiến tranh của Israel ở Gaza.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas đã khiến khoảng 35.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng và 75% dân thường phải di dời và sống trong cảnh nạn đói toàn diện.
Trên thực tế, từ tháng 3-2021, ICC đã phát động cuộc điều tra về hành vi của Israel ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem dưới sự chỉ đạo của Công tố viên ICC khi đó là ông Fatou Bensouda.
Tháng 11 năm ngoái, khi xung đột Israel - Hamas tròn một tháng, Bangladesh, Bolivia, Comoros, Djibouti và Nam Phi đã đưa hành vi của Israel ra tòa một lần nữa. Động thái này dẫn đến việc Công tố viên đương nhiệm của ICC - ông Karim Khan tuyên bố sẽ điều tra tội ác của cả Israel và Hamas tại Gaza và Bờ Tây kể từ khi Hamas tấn công vào Israel (ngày 7-10-2023).
Giới lãnh đạo Israel được cho là đang đề nghị Mỹ gây áp lực ngăn ICC phát lệnh bắt các quan chức Israel, bao gồm Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, với cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza.
“Israel hy vọng các nhà lãnh đạo của thế giới tự do sẽ kiên quyết chống lại cuộc tấn công thái quá của ICC nhằm vào quyền tự vệ vốn có của Israel” - ông Netanyahu nói hôm 1-5.
Vậy thẩm quyền của ICC trong cuộc điều tra này thế nào và tại sao Israel lại lo ngại phán quyết tiềm năng của ICC?
Israel và ICC
Theo trang Foreign Policy, Israel không phải là bên ký kết Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, và do đó nước này không công nhận thẩm quyền của ICC.
Tuy nhiên, quyền tài phán của ICC mở rộng đối với các tội ác do một quốc gia thành viên của ICC thực hiện hoặc trên lãnh thổ của một trong các quốc gia thành viên. Palestine là thành viên của ICC từ năm 2015.
Do đó, ICC có thể truy tố các quan chức Israel vì đồng lõa với các tội ác mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bị cáo buộc đã thực hiện trên lãnh thổ Palestine. Ngược lại, ICC cũng có có thẩm quyền xét xử đối với từng thành viên của Hamas (với tư cách là công dân Palestine) nếu phạm các tội ác quốc tế ở Israel.
Theo truyền thông Israel, Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel - Trung tướng Herzi Halevi đều có thể là đối tượng trong lệnh bắt của ICC.
Đài Al Jazeera dẫn lời các chuyên gia pháp lý rằng các cáo trạng trong xung đột Israel - Hamas mà ICC có thể đưa ra nhiều khả năng nhắm vào chính sách của Israel trong việc vũ khí hóa lương thực với người dân Gaza và quyết định của Hamas trong việc bắt các con tin Israel.
“Hai cáo buộc này dễ khiến giới lãnh đạo hai bên [Israel và Hamas] bị bắt” - ông Adil Haque, GS luật tại ĐH Rutgers (bang New Jersey, Mỹ), nhận định.
Tác động tiềm tàng từ lệnh bắt của ICC
Các chuyên gia cho rằng cáo trạng của ICC có thể làm suy yếu thêm tính hợp pháp của cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Ông Alonso Gurmendi Dunkelberg - chuyên gia về luật quốc tế và là giảng viên tại ĐH King's College London (Anh) nói rằng Israel thường xuyên tuyên bố nước này có “đội quân đạo đức nhất thế giới” và người Palestine là một “đám đông vô tổ chức, bạo lực tấn công Israel một cách vô cớ”. Tuy nhiên ông Dunkelberg cho rằng những tuyên bố này đang dần suy yếu.
“Toàn bộ câu chuyện của Israel đang đứng trước bờ vực nguy hiểm. Israel đang bị kiện tại ICJ vì tội diệt chủng và sau đó là đến ICC. Cuối cùng, đến một lúc nào đó, câu chuyện của Israel bắt đầu thực sự yếu đi” - ông Dunkelberg cảnh báo, đề cập vụ kiện đang diễn ra tại Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), trong đó Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng người Palestine.
Cũng theo các chuyên gia, trong số 3 nhân vật cấp cao của Israel có nguy cơ lọt vào danh sách truy nã của ICC, Thủ tướng Netanyahu là người sẽ gặp khó nhất.
Cụ thể, với tư cách là người đứng đầu chính phủ Israel, ông Netanyahu có thể bị cấm đến thăm Liên minh châu Âu (EU), nơi về mặt lý thuyết tất cả quốc gia thành viên khối này bắt buộc phải bắt ông như một phần nghĩa vụ theo Quy chế Rome.
“Có 120 thành viên của ICC về nguyên tắc sẽ có nghĩa vụ bắt những người này nếu họ bước chân vào những quốc gia đó” - ông Haque nói.
Thế nên, lệnh truy nã của ICC với các quan chức Israel có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa nước này với các đồng minh châu Âu.
“Đây sẽ là một thời điểm quan trọng đối với chính ICC, đối với Israel và quan trọng không kém đối với các đồng minh của Israel” - theo ông Hugh Lovatt, chuyên gia về Israel-Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (trụ sở Đức).
Hồi tháng 3-2023, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì vi phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine dù Nga không là thành viên của ICC. Động thái của ICC khi đó đã được Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, hiện tại, nếu làm ngơ với lệnh bắt của ICC với quan chức Israel, phương Tây sẽ khó tránh khỏi lời chỉ trích “tiêu chuẩn kép”.
“Các nước châu Âu ủng hộ lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Putin vậy làm sao họ có thể ra mặt và đột nhiên phản đối hoặc chỉ trích cáo trạng của ICC đối với các quan chức Israel? Nếu họ bảo vệ Israel khỏi trách nhiệm quốc tế một lần nữa, thì điều đó sẽ càng nhấn mạnh trong mắt nhiều quốc gia khác ở Nam bán cầu rằng phương Tây đang tham gia vào trò chơi tiêu chuẩn kép, và điều đó sẽ làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” - chuyên gia Lovatt cảnh báo.