Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế y tế.
Bà Trương Lê Văn Ngọc, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết năm 2017, Việt Nam có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự đoán con số này sẽ tăng lên trên 6 triệu người vào năm 2045.
Bệnh tiểu đường đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Ảnh: V.LONG
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hiện 68,9% người bị tăng đường huyết ở Việt Nam chưa được phát hiện. 8,2% người trưởng thành bị rối loạn dung nạp glucose (dấu hiệu chính của bệnh đái tháo đường). Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh đái tháo đường của Việt Nam có chiều hướng gia tăng như thừa cân, béo phì, sử dụng rượu bia, hút thuốc, lười vận động, ăn ít rau xanh…
Về chi phí điều trị, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cho biết các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đái tháo đường luôn nằm trong trong top 50 dịch vụ kỹ thuật có số chi lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 8% tổng chi quỹ BHYT. Năm 2018, tổng chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là hơn 5.311 tỉ đồng (tăng 13% so với năm 2017).
Theo các chuyên gia, chi phí điều trị đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng, dự báo sẽ tăng 42% từ 2017 - 2045. Do đó, việc quản lý hiệu quả chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là điều rất quan trọng.
Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, phải tăng cường vai trò của tuyến y tế cơ sở trong chữa trị người bệnh đái tháo đường, thực hiện chuyển tuyến hợp lý. Bên cạnh đó, liên thông dữ liệu sức khoẻ, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân, người tham gia BHYT để hạn chế chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc trùng lặp, áp dụng các kỹ thuật, thuốc mới để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong điều trị…