Quy định khiến Chấp hành viên nào cũng dễ vi phạm

“Tạm giữ tài sản, giấy tờ” là một trong những biện pháp bảo đảm THADS nhưng quy định về vấn đề này lại dễ khiến Chấp hành viên vi phạm khi áp dụng. Vì sao vậy? 

Dưới đây là bài viết của ThS. Lường Minh SơnThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm (Trường Đại học Luật TP.HCM) về vấn đề rắc rối này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của hai tác giả.

Trên thực tế, biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự ít được Chấp hành viên (CHV) áp dụng hơn so với các biện pháp bảo đảm THADS khác. Việc thực hiện biện pháp này có một số vướng mắc, đặc biệt là về thời hạn tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự.

Theo quy định tại Điều 68 Luật THADS năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về thời hạn xử lý tài sản tạm giữ thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA, CHV phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì CHV phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.

Việc xác định “kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án” là ngày nào, hiện có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng trong thời hạn 10 ngày là kể từ ngày tạm giữ tài sản. Nếu trong hạn 10 ngày mà CHV xác định tài sản đó là của người phải THA thì CHV ra quyết định cưỡng chế để bảo đảm THA. Quá thời hạn 10 ngày, CHV không xử lý tài sản là vi phạm.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng thời hạn 10 ngày được tính từ ngày CHV hay Tòa án xác định tài sản tạm giữ đó thuộc quyền sở hữu của ai.

Chúng tôi cho rằng để đảm bảo cho việc THA được đúng đối tượng và nhanh chóng thì quan điểm thứ hai là hợp lý. Bởi lẽ, trước hết phải xác định được tài sản, giấy tờ bị tạm giữ thuộc về chủ thể nào, chủ thể đó có phải là chủ thể phải chấp hành THA hay không thì mới có thể ra quyết định chính xác.

ThS. Lường Minh Sơn và ThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm (Trường Đại học Luật TP.HCM)

Việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm THA là cần thiết. Sau khi hết thời hạn quy định, CHV buộc phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để THA. Điều này, sẽ bảo đảm việc THA được thực hiện liên tục, bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Tuy nhiên, việc không có quy định ngoại lệ đã khiến cho CHV rơi vào tình trạng vi phạm về thời hạn. 

Bởi thực tế cho thấy, sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm THA thì trong nhiều trường hợp CHV phải tiến hành xác minh tài sản, thông tin về tài sản rồi mới quyết định có kê biên, xử lý tài sản hay không? Tuy nhiên, việc trả lời xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan THADS của những cơ quan có liên quan không phải lúc nào cũng nhanh chóng kịp thời, đúng thời hạn.

Có những trường hợp cơ quan THA phải chờ công văn trả lời của các cơ quan trong một thời gian, có khi chậm vài ngày đến vài tháng. Như vậy, trong trường hợp trên CHV không thể tiến hành cưỡng chế cũng như không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm THA vì chưa có đủ các căn cứ cần thiết.

Vì vậy, cần bổ sung quy định về những trường hợp ngoại lệ về thời gian tiến hành ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ của người bị THA. Cụ thể, đó là những trường hợp cần có những văn bản trả lời từ những cơ quan hữu quan hoặc những trường hợp bất khả kháng khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm