Quy định trái luật, bộ máy “phình to”

Ngày 13-3, phiên họp thứ 26 Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, yêu cầu chỉnh lý nhiều bất cập trong các dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) về chức danh tư pháp, tổ chức bộ máy…

Sửa toàn diện tổ chức, hoạt động của VKS, tòa

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) gồm bảy chương với 110 điều luật (giảm bốn chương nhưng tăng 60 điều luật so với Luật Tổ chức VKSND năm 2002).

Dự thảo sửa đổi cơ bản, toàn diện tổ chức, hoạt động của ngành kiểm sát (sửa đổi 78 điều, bổ sung 32 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên). Theo đó hệ thống VKSND được tổ chức lại gồm bốn cấp: VKSND Tối cao; các VKSND cấp cao; các VKSND tỉnh, TP trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh); các VKSND khu vực. Độ tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên được đề xuất tăng lên 60 đối với nữ và 65 đối với nam.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng trình dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 11 chương với 91 điều luật. Theo dự thảo, hệ thống TAND sẽ được tổ chức theo bốn cấp: TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và TAND sơ thẩm khu vực. Thẩm phán làm việc đến 65 tuổi (không phân biệt nam nữ), riêng thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến 70 tuổi…

 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng đã có thẩm phán chính ngạch lại còn có thẩm phán ngoài ngạch chồng chéo lên ông thẩm phán xét xử. Ảnh: TTXVN

“Đội quân trùng trùng điệp điệp”

Với việc bổ sung mới nhiều quy định về chức danh tư pháp, tổ chức bộ máy, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã gây nhiều lo ngại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp đã đề nghị cân nhắc kỹ quy định về chức danh mới “trợ lý thẩm phán”. Theo dự thảo thì trợ lý thẩm phán được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, trừ việc ra bản án, quyết định. Quy định như vậy sẽ chồng chéo, mâu thuẫn với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán. Việc quy định thêm chức danh này để giúp việc cho thẩm phán trong khi đã có sẵn các chức danh thẩm tra viên, thư ký tòa là không cần thiết, không hiệu quả, làm cho bộ máy cồng kềnh thêm.

Cạnh đó, cũng không nên quy định chức danh “trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên”. Bởi lẽ để đáp ứng yêu cầu đặc thù trong lĩnh vực này, pháp luật hiện hành đã có quy định thẩm phán được phân công giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên phải là những người có hiểu biết tốt về gia đình, hiểu biết về tâm sinh lý của người chưa thành niên...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thì phản đối chức danh “thẩm phán ngoài ngạch”: “Không thể hiểu ông thẩm phán ngoài ngạch làm gì, chồng chéo lên ông thẩm phán xét xử. Đã có thẩm phán chính ngạch lại còn có thẩm phán ngoài ngạch, phải rà kỹ, làm rõ!”.

Về tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Văn Hiện nhận xét chức năng quan trọng nhất của tòa án là xét xử. Văn phòng TAND Tối cao thuộc bộ máy giúp việc của TAND Tối cao, dự thảo lại quy định nâng cấp văn phòng từ đơn vị giúp việc cấp vụ lên vị trí cao hơn, bộ máy mở rộng. Đại đa số thành viên Ủy ban Tư pháp không tán thành vì không hợp lý, không quán triệt tinh thần tinh gọn bộ máy. TAND Tối cao là cơ quan xét xử chứ không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên không thể tổ chức Văn phòng TAND Tối cao giống như cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội được.

“Hàng loạt chức danh tư pháp, tổ chức bộ máy thì cồng kềnh, nâng văn phòng tòa án lên mức như Văn phòng Chính phủ, “siêu bộ”, thành lập Tổng cục Quản lý tòa án... tạo ra đội quân trùng trùng điệp điệp” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bức xúc thốt lên.

Tự xây dựng, trình kinh phí hoạt động?

Cao trào lên đến đỉnh điểm khi ông Hiển phân tích: “Rồi ngân sách chi lương, kinh phí thế nào? Sáng nay, dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đưa ra hai phương án về kinh phí hoạt động thì có một phương án trái luật rồi. Chiều nay, đến lượt dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đưa ra hai phương án về kinh phí hoạt động thì cả hai đều trái luật”.

Ông Hiển nói vậy bởi trong hai phương án về kinh phí hoạt động mà ngành kiểm sát đưa ra, có một phương án là VKSND Tối cao tự xây dựng kinh phí rồi trực tiếp trình Quốc hội xem xét, quyết định (theo quy định việc này là của Chính phủ). Còn hai phương án của ngành tòa án như sau: Phương án thứ nhất là TAND Tối cao tự xây dựng kinh phí rồi trực tiếp trình Quốc hội xem xét, quyết định; phương án thứ hai là vẫn để Chính phủ thực hiện nhưng nếu không đồng ý, TAND Tối cao được trình Quốc hội xem xét.

Trước các ý kiến phản đối, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Nóng quá, phiên họp tạm dừng, sau giờ giải lao sẽ tiếp tục”. Tuy nhiên, sau giờ nghỉ, dù trọng tâm của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về thẩm quyền, chức năng bốn cấp tòa, nội dung thực hiện quyền tư pháp xuyên suốt quá trình tố tụng chưa được thảo luận nhưng phiên họp đã kết thúc ngày làm việc.

BÌNH MINH

 

Chưa nên có án lệ?

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, dự thảo quy định bổ sung nhiệm vụ của TAND Tối cao là xây dựng và phát triển án lệ để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử và nguyên tắc “TAND các cấp phải tham khảo án lệ trong xét xử”.

Ông Nguyễn Văn Hiện đánh giá vấn đề án lệ rất mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần được cân nhắc kỹ. Trước mắt chỉ nên quy định TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật…

Không đào tạo đại học?

Quy định về Học viện Tòa án rất bất hợp lý. Tôi không phản đối việc tổ chức Học viện Tòa án để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tòa án các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm nhân dân. Nhưng việc tổ chức đào tạo đại học thì không phải thẩm quyền, không thể quy định trong Luật Tổ chức TAND mà phải quy định trong luật khác.

Ông ĐÀO TRỌNG THI, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Chỉ cần cấp vụ

Dự thảo quy định Tổng cục Quản lý tòa án có nhiệm vụ giúp chánh án TAND Tối cao thực hiện chức năng quản lý hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự… Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên tổ chức Tổng cục Quản lý tòa án tại TAND Tối cao... Ở TAND Tối cao, nếu cần chỉ nên có Vụ Quản lý tòa án.

(Trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm