Ngày 6-10, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.
Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí
Phát biểu tại hội nghị, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho biết thực hiện đề án sắp xếp, báo Pháp Luật TP.HCM chuyển đổi cơ quan chủ quản, từ trực thuộc Sở Tư pháp về UBND TP.HCM. Sau khi chuyển đổi, báo vẫn giữ được sự ổn định, hoạt động của báo vẫn tiếp tục phát triển.
Đánh giá về hiệu quả của đề án, ông Mai Ngọc Phước khẳng định vị thế của tờ báo nói chung, của từng PV nói riêng được nâng lên so với trước đây, tạo thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp và các hoạt động báo chí khác.
Việc thực hiện đề án sắp xếp ở giai đoạn 1 đã mang lại cho tờ báo một số thuận lợi nhất định, tạo sự an tâm cho anh em trong hoạt động, có được đường hướng cho phát triển của báo từ đây đến năm 2025. Đồng thời, báo Pháp Luật TP.HCM cũng có đủ thời gian nhằm hoạch định các kế hoạch về đầu tư phát triển nhân lực, kỹ thuật để phát triển mạnh mẽ, tương xứng với vị thế của một tờ báo thuộc UBND TP.HCM.
Để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển hơn trong thời gian tới, ông Mai Ngọc Phước cho rằng phía lãnh đạo TP cần nhìn nhận các cơ quan báo chí được quy hoạch về Thành ủy, UBND TP là một lực lượng chủ lực trong công cuộc tuyên truyền các chính sách của trung ương, của TP.HCM trên địa bàn TP.
Đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội làm ảnh hưởng nhất định đến thông tin báo chí, ông Mai Ngọc Phước cho rằng các cơ quan chức năng cần phải chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Bởi có nhiều thông tin trên mạng xã hội xấu độc, không đúng với chủ trương. “Để phản bác lại các quan điểm sai trái đó thì cần phải có thông tin chính thống từ phía cơ quan chức năng” - ông Phước nhấn mạnh.
Ông Mai Ngọc Phước đánh giá hiện nay, việc đảm bảo chất lượng, hạ tầng mạng là rất quan trọng. Do đó, ông kiến nghị TP nghiên cứu xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn chung cho các cơ quan báo chí TP để đảm bảo kỹ thuật, công nghệ, bảo mật, giúp cơ quan báo chí bảo mật thông tin tốt hơn.
Ông cũng đề nghị Bộ TT&TT có nghiên cứu, tổ chức hội thảo, đưa ra các hướng dẫn để có thỏa thuận, tạo được mối quan hệ giữa báo chí - Nhà nước - các công ty công nghệ để phục vụ cho việc này. Đồng thời kiến nghị bộ này nghiên cứu thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền dành cho các cơ quan báo chí bởi tình trạng “ăn cắp” tin, bài đang ngày một tràn lan.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng chuyển đổi số là điều kiện sống còn với báo chí hiện nay, nguồn lực đầu tư chuyển đổi số các cơ quan báo chí là rất quan trọng. Chính vì vậy, TP cần có nguồn lực để hỗ trợ cho cơ quan báo chí.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định lãnh đạo TP, trung ương luôn mong muốn báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: THANH TUYỀN |
Phải tạo điều kiện cho báo chí phát triển
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Chúng ta quy hoạch, sắp xếp lại để phát triển chứ không phải làm cho hệ thống chúng ta yếu đi”.
Ông Dương Anh Đức khẳng định lãnh đạo TP, trung ương mong muốn hệ thống báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, là cầu nối vững chắc giữa hệ thống chính quyền với người dân. Từ đó, ông Đức yêu cầu Sở TT&TT TP.HCM hoàn thiện báo cáo sơ kết, đánh giá sâu kết quả giai đoạn 1, phân tích rõ ràng hơn để chuẩn bị những bước đề xuất hợp lý cho giai đoạn 2.
“Quan trọng nhất là hướng tới việc tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí TP tiếp tục phát triển” - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh và cho biết công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là rất quan trọng. Ông mong bộ, ngành trung ương tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được phát triển đúng định hướng.
Ông cũng đề đạt với Bộ TT&TT về việc cân nhắc, xem xét tạo cơ chế linh hoạt hơn để cởi trói cho các cơ quan phát huy tối đa khả năng của mình.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho biết đến nay, việc sắp xếp cơ bản đã xong. Vấn đề tiếp theo là phải tính phương án để các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, trong đó cần quan tâm đến đời sống của người lao động tại các cơ quan báo chí.
Bộ TT&TT sẽ xây dựng cơ chế để các cơ quan báo chí phát triển kinh tế báo chí hiệu quả. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đề nghị cam kết không quảng cáo trên các trang tin, mạng xã hội không có giấy phép. Bộ TT&TT sẽ cung cấp danh sách các tờ báo, trang thông tin, mạng xã hội có giấy phép hoạt động.
Ông Lâm thông tin Bộ TT&TT cũng đang xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 theo hướng mở rộng nội hàm để quản lý báo chí phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Hoàn thành sắp xếp 25/27 cơ quan báo chí
Sở TT&TT TP.HCM cho biết sau hai năm thực hiện đã hoàn tất giai đoạn 1, hoàn thành sắp xếp 25/27 cơ quan báo chí (tỉ lệ 92,5%), còn hai cơ quan báo chí đang sắp xếp là báo Tuổi Trẻ, báo Cựu Chiến Binh TP.
Tính đến tháng 9-2022, TP.HCM có bảy cơ quan báo in, chín tạp chí và hai đài phát thanh, truyền hình. Hiện các cơ quan chủ quản trước đây đã hoàn tất thủ tục bàn giao về nhân sự, tài chính, tài liệu và hồ sơ liên quan cho cơ quan chủ quản mới, thông qua Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở TT&TT.
Các cơ quan báo chí trên đã hoàn tất các quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, trình Thành ủy và UBND TP phê duyệt, nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.