Sáng 6-10, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước, cho biết thực hiện đề án sắp xếp, Báo Pháp Luật TP.HCM chuyển đổi cơ quan chủ quản, từ trực thuộc Sở Tư pháp về UBND TP.HCM. Sau chuyển đổi cơ quan chủ quản, Báo vẫn giữ được sự ổn định, hoạt động của báo vẫn tiếp tục phát triển.
Đánh giá về hiệu quả của đề án, ông Mai Ngọc Phước khẳng định, vị thế của tờ báo nói chung, của từng phóng viên nói riêng được nâng lên so với trước đây, tạo thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp và các hoạt động báo chí khác.
Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Việc thực hiện đề án sắp xếp ở giai đoạn 1 đã mang lại cho tờ báo một số thuận lợi nhất định, tạo sự an tâm cho anh em trong hoạt động, có được đường hướng cho phát triển của báo từ đây đến năm 2025.
Đồng thời, báo Pháp Luật TP.HCM cũng có đủ thời gian nhằm hoạch định các kế hoạch về đầu tư phát triển về nhân lực, kĩ thuật để phát triển mạnh mẽ, tương xứng với vị thế của một tờ báo thuộc UBND TP.HCM.
Về khó khăn, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM chia sẻ: Theo xu thế chung hiện nay, số lượng phát hành báo in đang giảm rất mạnh nhưng Báo đã chuyển hướng phát triển báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Cũng như nhiều báo khác, báo Pháp Luật TP.HCM cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số, thu hút nhân lực. Cùng đó, việc thực hiện đề án sắp xếp trong giai đoạn 2 cũng là mối quan tâm của nhiều anh em.
Để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển hơn trong thời gian tới, ông Mai Ngọc Phước cho rằng phía lãnh đạo TP cần nhìn nhận các cơ quan báo chí được quy hoạch về Thành ủy, UBND TP là một lực lượng chủ lực trong công cuộc tuyền truyền các chính sách của Trung ương, của TP.HCM trên địa bàn TP.
Đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội làm ảnh hưởng nhất định đến thông tin báo chí, ông Mai Ngọc Phước cho rằng các cơ quan chức năng cần phải chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin chính thông cho báo chí. Bởi, có nhiều thông tin trên mạng xã hội xấu độc, không đúng với chủ trương.
“Để phản bác lại các quan điểm sai trái đó thì cần phải có thông tin chính thống từ phía cơ quan chức năng”- ông Phước nhấn mạnh.
Ông Mai Ngọc Phước đánh giá, hiện nay, việc đảm bảo chất lượng, hạ tầng mạng là rất quan trọng. Ông kiến nghị TP nên nghiên cứu xây dựng hạ tầng kĩ thuật truyền dẫn chung cho các cơ quan báo chí TP để đảm bảo kĩ thuật, công nghệ, bảo mật, giúp cơ quan báo chí bảo mật thông tin tốt hơn.
Ông cũng đề nghị Bộ TT&TT có nghiên cứu, tổ chức hội thảo, đưa ra các hướng dẫn để có thỏa thuận, tạo được mối quan hệ giữa báo chí- nhà nước- các công ty công nghệ để phục vụ cho việc này. Đồng thời kiến nghị bộ này nghiên cứu thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền dành cho các cơ quan báo chí bởi tình trạng ‘ăn cắp’ tin, bài đang ngày một tràn lan.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng, chuyển đổi số là điều kiện sống còn với báo chí hiện nay, nguồn lực đầu tư chuyển đổi số các cơ quan báo chí là rất quan trọng. Phía TP cần có nguồn lực để hỗ trợ cho cơ quan báo chí.
Sở TT&TT TP.HCM cho biết sau hai năm thực hiện đã hoàn tất giai đoạn 1, hoàn thành sắp xếp 25/27 cơ quan báo chí (tỉ lệ 92,5%), còn hai cơ quan báo chí đang sắp xếp là Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh TP.
Tính đến tháng 9-2022, TP.HCM có bảy cơ quan báo in, chín tạp chí và hai đài phát thanh, truyền hình.
Cụ thể: Sắp xếp hai cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP.HCM (Báo Người Lao Động, Báo Phụ Nữ TP); sáu cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP.HCM (Báo Pháp Luật TP.HCM, Tạp chí Giáo Dục TP, Tạp chí Du Lịch TP, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông) đã hoàn tất thủ tục bàn giao về nhân sự, tài chính, tài liệu và hồ sơ liên quan cho cơ quan chủ quản mới, thông qua Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở TT&TT.
Các cơ quan báo chí trên đã hoàn tất các quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, trình Thành ủy và UBND TP phê duyệt. Đồng thời nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, tuân thủ các quy định pháp luật; đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không để xảy ra vướng mắc; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới.