Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Khách tham quan tại Hội Báo toàn quốc 2019. Ảnh: TTXVN.
Theo kế hoạch này, trước năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với các cơ quan báo chí trực thuộc địa phương cũng có lộ trình tương tự, tới 31-12 phải thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch. Hà Nội, TP.HCM có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 5 cơ quan báo chí, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng rà soát, sắp xếp, báo cáo trước 31-12. Chậm nhất 30 ngày trước khi giấy phép của cơ quan báo chí trực thuộc hết hiệu lực, phải có văn bản thông báo cho Bộ Thông tin - Truyền thông. Trường hợp chuyển sang trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trước 30-9-2020 phải có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản mới.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng yêu cầu việc sắp xếp, rà soát đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí, tránh tình trạng “báo hoá” tạp chí.
Các tổ chức ở trung ương rà soát tôn chỉ, mục đích các cơ quan báo chí, trước ngày 30-9-2019, có đề nghị thay đổi phù hợp với mô hình hoạt động mới khi làm thủ tục gửi Bộ TT&TT cấp phép hoạt động theo quy định.
Các địa phương cũng rà soát tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí hiện có, trước ngày 30-6-2020, có hồ sơ, thủ tục gửi Bộ TT&TT để cấp lại giấy phép, sửa đổi bổ sung giấy phép, đảm bảo phù hợp với quy định hướng quy hoạch báo chí.
Đến thời hạn hoàn thành sắp xếp theo quy định, trường hợp không thực hiện việc sắp xếp, không gửi hồ sơ cấp lại giấy phép, chuyển đổi cơ quan chủ quản, Bộ sẽ đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép hoạt động theo quy định.