Đến tòa, không được nói chuyện trực tiếp với cha, cô gái hét lên thật to: “Ba ơi, ba phải nhớ nói với tòa rằng mình đã có ba năm đi nghĩa vụ quân sự để được giảm án nha ba! Ba đừng quên nha ba!”. Sợ cha không nghe thấy, cô bé đứng lấp ló trước cửa phòng xử nhờ mấy chú công an vào nhắc lại cho cha mình khỏi quên.
Cô gái ấy tên là NTMG, con của bị cáo Nguyễn Lê Q. trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà TAND TP.HCM mới đưa ra xử phúc thẩm.
Cú sốc đầu đời của cô gái trẻ
Theo hồ sơ, bị cáo Q. là nhân viên của Công ty HĐ, có nhiệm vụ giám sát thị trường, tìm đối tác tiêu thụ hàng hóa và thu tiền của khách hàng nộp về cho công ty. Tháng 4-2013, lợi dụng sự tin tưởng và quản lý lỏng lẻo của công ty, bị cáo Q. đã chiếm đoạt của công ty và khách hàng hơn 127 triệu đồng. Khi bị phát hiện, bị cáo tự ý nghỉ việc rồi bỏ trốn.
Bị cáo bị bắt khi G., con gái của mình, đang là sinh viên năm ba một trường đại học. Lúc đó G. suy sụp, mặc cảm và chỉ biết nhốt mình trong phòng nằm khóc. “Em đã có ý định bỏ học vì sốc, vì sợ các bạn trong trường biết chuyện sẽ dị nghị và xa lánh. Hơn nữa, em nghĩ dù có học ra trường xong thì cũng không xin được việc làm, vì nhìn vào hồ sơ có cha tù tội ai mà dám nhận…”.
Nhưng rồi G. nghĩ về người cha của mình, người thường xuyên phải đi làm xa nhà để kiếm tiền nuôi vợ con. Nhiều lần gọi điện thoại về, ông muốn nói chuyện gì đó nhưng cứ ngập ngừng, không dám tâm sự với con gái. “Mỗi lần ba gọi điện thoại, chuyện gì ba cũng tâm sự nhưng chẳng biết sao dạo gần đây ba định nói chuyện gì đó rồi lại thôi, dù em làm cách nào ba cũng không nói”.
Cha đã như vậy, mẹ bị bệnh, em gái còn nhỏ nên sau thời gian ngắn bị sốc, G. nghĩ mình phải làm sao để cha mình được giảm án, phải làm cái gì đó để xứng đáng với công ơn và tình thương vô bờ của cha đối với mình. Mỗi lần vào trại tạm giam thăm cha, G. lân la hỏi chuyện các chú công an trong trại cách làm các thủ tục xin giảm án cho cha.
Kết quả của lòng kiên trì
G. kể mỗi lần vào thăm cha em đều viết một lá thư nói về những suy nghĩ của mình và hỏi cha tên, địa chỉ những người bị hại trong vụ án để đến xin lỗi họ.
Sau khi nắm rõ những người bị hại, G. lần lượt tìm đến nhà để năn nỉ họ làm đơn xin giảm án cho cha mình. Vụ án có bốn người bị hại thì ba người đồng ý xin giảm án cho cha G. Người còn lại, “mỗi lần em gọi điện thoại là chị đó cúp máy, bảo đừng làm phiền”. Phải khó khăn lắm G. mới gặp được người này. Nhưng mỗi lần gặp em chỉ biết rớt nước mắt đạp xe về.
“Chị ấy bảo chẳng muốn nói chuyện với em. Lần sau cùng, thấy em vẫn kiên trì đến nhà năn nỉ, chị ấy mới bảo: “Chị không muốn dồn ép gì ba em đâu nhưng chị tức không chịu được. Công ty đã rất tin tưởng ba em, muốn ba em có công ăn việc làm để lo cho gia đình. Vậy mà ba em nỡ làm vậy. Giờ em về đóng đủ số tiền ba em đã lừa rồi đến đây gặp chị! - G. kể.
Và rồi G. phải đi gõ cửa từng nhà các chú, bác, anh em họ hàng mới kiếm đủ 127 triệu đồng để đóng tiền khắc phục hậu quả. “Nhưng khi đến nhà những người bị hại, em vẫn phải lủi thủi ra về. Lúc ấy mẹ em đang bệnh, em vẫn phải nhờ mẹ đi xin cùng mình. Đến nơi, mẹ phải quỳ xuống xin lỗi cùng em, lúc đó chị giám đốc công ty mới đồng ý viết đơn xin giảm án cho ba em rồi vận động mấy cô chú kia viết đơn cùng”.
Và những cố gắng của G. đã được tòa án cấp sơ thẩm xem xét. Tòa tuyên phạt cha em mức án hai năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt theo khoản 2 Điều 140 BLHS).
Tại phiên phúc thẩm, nghe lời con gái, cha G. trình bày thêm tình tiết là người từng tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận thấy tòa sơ thẩm đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ như bồi thường thiệt hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, người bị hại có đơn xin giảm án. Theo tòa, mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên là đã thấp nhất rồi, vì vậy tòa bác kháng cáo xin giảm án của bị cáo.
Rời phòng xử án, cha G. gật đầu cảm ơn con gái rồi theo công an ra xe bít bùng. Phía sau, nước mắt G. lăn dài nhưng vẫn cố nói với theo: “Ba gắng cải tạo tốt, đừng lo gì cho mẹ con con ở ngoài nha ba!”.
NGỌC THÂN
Người bị hại động lòng trắc ẩn G. kể từ khi xảy ra chuyện tới giờ, G. không muốn để em gái mình biết chuyện của cha. “Lúc mẹ sinh em gái, ba cứ đi suốt, một năm chỉ về nhà 2-3 lần. Nó được năm tuổi thì ba vướng vòng tù tội. Mỗi lần nó hỏi về ba em phải giấu, nói rằng ba đang đi công tác. Vì em sợ nó sẽ mặc cảm rồi có suy nghĩ không tốt về ba” - G. tâm sự. G. kể hiện em đang đi dạy kèm một học sinh lớp 12, cô bé đó quậy lắm, trước đây chẳng gia sư nào trụ nổi. “Bây giờ thì bé ấy tiến bộ lắm rồi, ba mẹ em ấy vui lắm. Mà chị biết không, mối này do chị giám đốc công ty, người bị hại của vụ án, giới thiệu cho em đó. Khi giới thiệu, chị ấy không hề tiết lộ chuyện ba em tù tội gì cả. Chị ấy bảo thấy em cứ đến nhà năn nỉ xin cho ba được giảm án nên chị cảm động lắm. Lúc đó, chị nghĩ cần phải làm gì đó giúp em…”. G. cho biết hiện em còn kèm một “cua” khác nữa, cũng do người bị hại khác trong vụ án của cha giới thiệu. “Vậy là mỗi tháng em thu nhập được hơn 3 triệu đồng. Ngoài khoản đóng học phí, em dành mỗi tháng 1 triệu đồng để trả nợ tiền đã vay để khắc phục hậu quả cho ba, số còn lại em gửi cho ba chi tiêu” - G. kể. |