Quyền Bộ trưởng Y tế: Phải giữ bằng được Thủ đô trước COVID-19

Sáng 8-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Giúp Hà Nội xét nghiệm PCR cho 70.000 người/3 ngày

Tại buổi làm việc, ông Long đặc biệt đề nghị Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR cho các trường hợp trở về từ Đà Nẵng.

“Như Thủ tướng chỉ đạo trong 5 vấn đề quan trọng phòng chống dịch thì việc tổ chức xét nghiệm là mấu chốt. Chỉ có xét nghiệm mới tìm được những ca ủ bệnh, khoanh vùng và kiểm soát được dịch lây lan. Lần nào họp Thủ tướng cũng nhắc việc này” - ông Long nói.

Theo ông Long, Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay từ đầu, Ban chỉ đạo cũng như Bộ Y tế cũng coi đây là vùng có nguy cơ cao. 

Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Báo Tiền Phong

“Bởi vì chúng ta có rất nhiều người đi từ Đà Nẵng về, gần 100.000 người. Nếu coi Đà Nẵng là vùng dịch, tâm dịch thì những người từ đây trở về sẽ có nguy cơ lây nhiễm nhất định” - ông Long nhấn mạnh.

Theo đó, ông Long khẳng định Bộ Y tế sẽ “ủng hộ hết sức cho TP công tác xét nghiệm PCR. Hiện Bộ Y tế giao cho 4 đơn vị chính tiến hành hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm 70 nghìn mẫu PCR từ chiều 8-8. Trong đó, BV Bạch Mai thực hiện 40 nghìn mẫu, 3 bệnh viện còn lại (BV Nhiệt đới Trung ương; Nhi; Viện dịch tễ Trung ương) mỗi đơn vị thực hiện 10 nghìn mẫu.

“Tốc độ xét nghiệm của các BV Trung ương sẽ làm rất nhanh. Do đó đề nghị TP Hà Nội giao Sở Y tế kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trên để triển khai… Trước mắt xét nghiệm PCR phải làm thật nhanh, cố gắng trong 3 ngày phải hoàn thành theo chỉ đạo của Trung ương”  - ông Long nói.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết các cơ sở y tế của Bộ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện trong cơ thể người đó có bị nhiễm dịch hay không. Do đó, TP cần lấy mẫu máu đối với những người đi Đà Nẵng về từ ngày 7 đến 15-7 (khoảng 22 nghìn mẫu theo báo cáo của Hà Nội). Đây là những người có nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Theo ông Long loại xét nghiệm này sẽ đảm bảo độ chính xác cao, nhiều nước đã thực hiện.

Bảo vệ bằng được Thủ đô

Tại cuộc họp, ông Long cũng đề nghị Hà Nội chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… để tiến hành xét nghiệm tất cả trường hợp đến khám bệnh mà có dấu hiệu, biểu hiện như hướng dẫn của Bộ Y tế; xét nghiệm bệnh nhân và nhân viên y tế ở nơi có thể tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm.

Ông Long cũng khẳng định Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân nhiễm dịch của Hà Nội. Riêng BV Bạch Mai giai đoạn trước của dịch đã chuẩn bị 1.000 giường bệnh cho HN rồi (500 giường ở cơ sở Giải Phóng, 500 giường ở Phủ Lý). Trước mắt, Bộ Y tế đã giao BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tiếp nhận toàn bộ các trường hợp COVID-19 của Hà Nội. “Quan điểm của Trung ương là phải giữ bằng được cho Thủ đô. Bởi vì Thủ đô mà lây nhiễm mạnh thì các cơ quan Trung ương và Bộ Y tế cũng bị tác động. Do đó các bệnh viện trung ương sẽ hỗ trợ tối đa cho Hà Nội, đồng thời chúng tôi cũng điều một số chuyên gia giỏi về giúp cho TP” - ông Long nói.

Về hậu cần, mua sắm, Bộ Y tế cũng mở rộng tất cả các phương thức thanh toán cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế. Yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng với bảo hiểm y tế đều phải thực hiện việc lấy mẫu, hoặc được xét nghiệm để được đảm bảo không để lây nhiễm trong cơ sở y tế. Cơ sở nào có khả năng tự làm xét nghiệm thì tự tiến hành, nếu không đủ khả năng thì lấy mẫu gửi cho cơ sở có năng lực làm. Kinh phí sẽ thanh toán qua bảo hiểm, đảm bảo tính đúng, tính đủ.

“Riêng việc mua sắm sẽ có hướng dẫn, cụ thể sẽ căn cứ theo Luật đấu thầu, chỉ định thầu… việc này phải triển khai ngay vì rất gấp” - ông Long nói.

Ông Long cũng đề nghị Hà Nội chuẩn bị các tình huống, kịch bản dự phòng để ứng phó tình hình dịch. Đặc biệt phải coi các cơ sở y tế là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhất là các khoa có bệnh lý nền nặng như thận, khoa chữa bệnh cho người già yếu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm