Quyền riêng tư của công dân trên báo: Khi nhà báo bước qua 'Ranh giới'

Ngày 23-9, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: Ranh giới giữa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí.

Nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc “trái tim nóng và cái đầu lạnh”

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, bày tỏ ranh giới xác định rất khó, giữa sự thật khách quan với việc bảo vệ quyền con người. Kể cả khi nhân vật đồng ý cho báo chí phỏng vấn đưa tin lên nhưng việc đưa tin như thế nào để bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền con người đấy cũng là vấn đề mang tính trách nhiệm của người làm báo với công chúng.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết: Hơn ai hết, nhà báo phải biết rõ giới hạn về mặt luật pháp khi động chạm đến những khía cạnh nhạy cảm liên quan đến nhân thân của những người trong cuộc. Bởi lẽ “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn và PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng chủ trì hội thảo. Ảnh: Congluan.vn

Do đó, ngoài những quy định luật pháp, đạo đức, nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong cả quy trình làm báo từ đầu vào đến đầu ra của tác phẩm báo chí.

Điều đó có nghĩa là nhà báo hoàn toàn có thể khai thác câu chuyện của nhân vật bằng cảm xúc và nhiệt huyết của mình nhưng khi thể hiện thành sản phẩm báo chí thì phải phân tích, xem xét bằng lý trí và sự tỉnh táo.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi nhà báo đã dồn hết cảm xúc (trái tim nóng) vào sản phẩm thì khó mà đủ tỉnh táo (cái đầu lạnh) để soi xét bằng lý trí”- ông Trung nói.

Từ nước Pháp, nhà báo Nguyễn Thu Hà - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Paris (Pháp) phát biểu quan điểm của mình từ chính phim tài liệu Ranh giới được phát sóng trên VTV.

Bà cho rằng, đây là một phim rất cảm động nhưng bà cảm thấy tiếc vì bệnh nhân không được che mặt. Bà cũng bày tỏ có lúc "rất ghen tị" với đồng nghiệp khi tác nghiệp ở trong nước. Bởi những tác phẩm liên quan đến đời tư tại Việt Nam dễ dàng hơn tác nghiệp ở nước ngoài.

Bà dẫn chứng từ câu chuyện ở nước Pháp. Theo đó, trong thời gian vừa rồi để đảm bảo sau giãn cách xã hội, nước này bắt buộc mang khẩu trang và chứng nhận y tế. Ngày đầu tiên bà liên hệ đến Trung tâm thương mại, nhà ga nhưng sau một ngày chỉ nhận được câu trả lời: "Chúng tôi rất tiếc, để đảm bảo quyền cá nhân của khách hàng, chúng tôi không để quý vị ghi hình ở nhà ga, Trung tâm thương mại".

Theo bà, việc sao chép hoặc phổ biến một hình ảnh liên quan đến người đó phải tôn trọng các nguyên tắc của luật bảo mật và quyền đối với hình ảnh. Do đó, bất kỳ hành vi vi phạm quyền hình ảnh nào đều trở thành vi phạm quyền riêng tư và có thể bị phản đối việc công bố thông tin, thậm chí có thể bị kiện ra tòa.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh chụp màn hình. 

Bước qua hay dừng lại trước các “ranh giới”

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt cũng nêu câu chuyện tác nghiệp trong lĩnh vực của mình khi mà quy định báo chí là được đưa cái gì nhưng cái đầu lạnh quá thì không ai đọc. Nếu truy xét phóng sự đã được giải của anh và đồng nghiệp về quyền riêng tư thì phóng sự nào cũng quay lén và không được sự cho phép.

“Tác phẩm báo chí mà nhút nhát quá, thành ra nhạt nhẽo và vô dụng cho xã hội. Táo bạo quá, có khi vô tình làm đau người khác một cách không cần thiết, vi phạm quy tắc đạo đức và luật pháp về quyền riêng tư. Khi việc làm đau này thành phong trào mà không được cầm cương thì lại còn thành ra nguy hiểm và phản nhân văn”- nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.

Còn nhà báo Vĩnh Quyên từ thực tế làm công tác lãnh đạo của mình ở cơ quan báo chí lại cho rằng trong hoạt động báo chí, đôi khi có những vấn đề, những tình huống rất khó đưa ra quyết định “trắng-đen” ngay mà nó đòi hỏi cần phải cân nhắc để quyết định bước qua hay dừng lại trước các ranh giới: Ranh giới đạo đức, ranh giới luật pháp và ranh giới truyền hông.

“Lâu nay chúng ta hay hô hào, ca ngợi việc bước qua “ranh giới” là dũng cảm. Tuy nhiên thiết nghĩ đôi khi quyết định dừng lại trước “ranh giới” còn cần dũng cảm hơn”- bà Quyên nói.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định mỗi ví dụ, mỗi trường hợp các đại biểu trao đổi chia sẻ ngày hôm nay, dù trong nước hay ở nước ngoài sẽ là bài học kinh nghiệm để mỗi người làm báo áp dụng vào thực tiễn khi tác nghiệp.

"Mỗi nhà báo không chỉ quan tâm nâng cao vấn đề nghề nghiệp, nghiệp vụ kỹ thuật, hiểu pháp luật mà trên hết là lương tâm trách nhiệm của người làm báo. Khi chúng ta nhận thức về nghề nghiệp chúng ta sẽ có trách nhiệm với từng nhân vật và đặt mình vào lợi ích nhân vật" - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới