Qua theo dõi quyển sổ, anh thấy mình đóng góp thu nhập cao hơn nên tự cho mình quyền làm ông chủ trong nhà. Anh thường cao ngạo cho rằng tài sản gia đình này một tay anh tạo dựng cả, em chỉ góp phần vặt vãnh mà được đứng tên chung toàn bộ. Anh cũng cố tình quên do mình hiếm muộn, anh ép em nghỉ dạy thêm, bớt làm thêm để tĩnh dưỡng kiếm con, từ đó biến em từ giảng viên thực thụ thành “ô-sin chuyên nghiệp”. Anh vẫn đưa thẻ ATM cho vợ, vẫn để vợ tự cân đối nội trợ và đồng thời kiêm “kế toán viên” mẫn cán. Anh chẳng thèm ghi nhận rằng em kiếm ít thì em tiêu rất ít và đã làm mọi việc trong nhà như thể bù đắp. Nhưng còn chưa hài lòng nên anh vặn vẹo thu nhập mãi, vì anh nghe đồn đoán nghề của em dễ có khoản ngoài.
Mỗi lần em đặt bút ghi hôm nay thu gì - tiêu gì, cảm giác cứ như những nhát cắt đoạn tuyệt tình chồng vợ. Mỗi lần tủ hết tiền, anh lại dằn hắt tiền bạc đâu dù tất cả đều thể hiện trên sổ sách. Lâu dần em căm ghét quyển sổ này, em chán ngán mỗi lần mở ra ghi chép và thường chẳng thèm xem lại cho thêm đau lòng. Em từng ước ao giá như một ngày anh tự tay đốt sạch sổ sách này đi, như xóa tan nghi kỵ tiền nong giữa chúng mình. Đôi lúc em lại muốn lao vào kiếm tiền bằng mọi giá nhằm khỏi bị chồng coi thường, dư dả tiền bạc sẽ không phải ghi sổ sách nữa. Song tất cả chỉ là ước mơ, khi anh luôn tận thu tâm lực của em vào chuyện nhà cửa con cái, khi anh ngày càng kỹ tính và bẳn tính.
Mình đã bước vào tuổi trung niên rồi, “biết ra sao ngày sau”, nên em chỉ mong cả nhà nhẹ nhàng bên nhau. Em thèm khát mỗi ngày được ghi vào sổ những lời yêu thương ngọt ngào như thời mới cưới, em thèm lắm mỗi ngày được ghi vào sổ những săn sóc và nhắc nhở như lúc mình mới “lên chức” bố - mẹ. Sẽ hữu ích biết bao khi mình dành thời gian chăm lo cho nhau và cho con hơn là chăm chú ghi chép những con số tủn mủn đầy hoài nghi, phải không anh?
Theo BẢO BẢO (PNO)