CUỘC CHIẾN DỰ ÁN BOT - BÀI 2:

“Quyết chiến” ở cầu Sài Gòn 2

Trên đường Hà Huy Giáp, quận 12 có hai cây cầu nằm gần nhau là cầu Ông Đụng và cầu Bà Đừng.

Cầu Sài Gòn 2: Ông Đụng, Bà Đừng

Đầu năm 2008, được UBND TP giao, PMC bắt đầu nghiên cứu đầu tư cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT. Cùng thời điểm, CII xúc tiến hàng loạt dự án liên quan đến cầu Sài Gòn cũ và mới (cầu Sài Gòn 2) như mở rộng xa lộ Hà Nội (XLHN), xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, mở rộng liên tỉnh lộ 25… Giới đầu tư và xây dựng cầu đường đã lẩy từ và ý từ tên gọi của hai cây cầu ở quận 12 để đặt “biệt danh” cho cầu Sài Gòn 2 - hợp điểm “giao tranh” giữa PMC và CII là cầu… Ông Đụng, Bà Đừng.

Cách chơi chữ trên phản ánh cả về nghĩa đen và nghĩa bóng cách làm của PMC và CII. Cụ thể, từ giữa tháng 8-2009, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, khẳng định ngày 9-9-2009 sẽ khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2. Những tuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo PMC sau đó như đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Sài Gòn 2, quyết thu phí qua cầu để hoàn vốn… như những gáo nước lạnh dội vào sự hào hứng của CII khi đang thực hiện ý kiến của UBND TP, dời Trạm thu phí XLHN từ quận 2 ra quận 9. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc đầu tư và kinh doanh của CII, nói: CII không phản bác việc thu phí hoàn vốn cầu Sài Gòn 2 nhưng phải là đến sau năm 2055, trên trục đường XLHN không thể thêm dự án và trạm thu phí nào khác. “Bởi vì tính luôn cả công trình mở rộng XLHN thì phải hơn 50 năm nữa Trạm XLHN mới kết thúc việc thu phí hoàn vốn!” - bà Trâm nói.

Của ông, ông thu

Trong cuộc phân tranh quyền thu phí trên tuyến trục cửa ngõ đông bắc TP, CII đưa ra lập luận mình là người đi trước nên không thể thương thảo, chia sẻ quyền và cách thu phí với người đến sau. Phát biểu với báo chí, ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư của CII, cho rằng Trạm thu phí XLHN dù ở quận 2 hay quận 9, cùng các dự án mở rộng XLHN, xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, mở rộng liên tỉnh lộ 25B… đều được ký kết với các cơ quan chức năng và đã triển khai trước khi có dự án cầu Sài Gòn 2. Vì vậy, không có cơ sở để CII phải ngồi lại với PMC bàn bạc, phối hợp thu phí trên XLHN. Dự án BOT cầu Sài Gòn 2 có sau và do nhà đầu tư tự đề xuất thì PMC phải có trách nhiệm đề xuất phương án hoàn vốn hợp lý, trình TP xem xét và quyết định trước khi thực hiện đầu tư.

“Quyết chiến” ở cầu Sài Gòn 2 ảnh 1

Cầu Sài Gòn 2 (mô hình) - điểm “giao tranh” giữa PMC và CII. Ảnh: LĐ

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Thái, việc thu phí như thế nào là do UBND TP quyết định. “Chúng tôi chỉ huy động vốn, kỹ thuật để sớm thực hiện việc xây dựng cho TP cầu Sài Gòn 2!” - ông Thái nói. Cùng lúc với những tuyên bố có vẻ cứng rắn như trên, PMC cũng đưa ra những giải pháp khá “mềm”. Cụ thể, đầu tháng 4-2010, PMC có văn bản gửi Sở GTVT cho biết PMC sẽ thu phí riêng chiều ra trên cầu Sài Gòn 2, còn CII thu phí  chiều vào trên XLHN.

Mua quyền thu phí và độc quyền

Song song, PMC đề xuất biện pháp thu chung tại Trạm thu phí XLHN hiện hữu và sau đó sẽ chia doanh thu, lợi nhuận theo chiều đường, cầu vào, ra TP cho từng chủ đầu tư. Các biện pháp trên đáp ứng được ý kiến chỉ đạo của TP là không để thu “phí chồng phí” ở hai công trình mở rộng XLHN và cầu Sài Gòn 2. Nhưng theo PMC, nếu áp dụng biện pháp này thì thời gian thu phí sẽ phải kéo dài thêm, có thể thành 70 năm thay vì 50 năm và mức thu phí cần tăng thêm 1,7-2 lần so với mức quy định cho hình thức đầu tư BOT từ vốn ngân sách.

Theo các chuyên viên về cầu, đường và chuyên gia tài chính, PMC là “con cáo” trên lĩnh vực huy động tiền, vốn vào xây dựng cầu, đường nên họ biết rõ với thời gian thu phí kéo dài, dù mức thu có thể cao, thì việc hoàn vốn là rất mong manh, thậm chí là không thể. Vậy nhưng PMC vẫn tung chiêu thu kéo dài, mức thu cao rồi sau đó họ đặt lên bàn đối thủ CII và các cơ quan chức năng “bài” sang nhượng quyền thu phí cầu Phú Mỹ và cả dự án cầu Sài Gòn 2 cho CII hoặc PMC.

Có thể thấy trong cuộc “quyết chiến” cầu Sài Gòn 2, PMC đã giành được quyền chủ động khi tung ra những “đòn thế” cứng rắn (tuyên bố quyết thu phí), đẩy CII vào thế bối rối, tiếp đó quăng ra những chiếc lưới rất mềm mại (mỗi bên thu phí theo làn cầu, đường mình đầu tư; thu gộp rồi cùng chia…); để rồi quyết thách đấu cùng CII bằng “bài” mua đứt quyền thu phí tất cả công trình trong khu vực...

Trong khi vờn qua vờn lại như thế, giữa tháng 4-2010, lãnh đạo PMC liên tục tuyên bố sẽ khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 vào dịp 30-4. Nhưng ngày 28-4, tại lễ hợp long cầu Giồng Ông Tố mới, ông Trần Quang Phượng- Giám đốc Sở GTVT cho  hay những tuyên bố trên của lãnh đạo PMC chỉ là… cho vui! Đến thời điểm trên PMC vẫn chưa trình ra được thiết kế cơ sở, phương án tài chính cho việc đầu tư và cách thu phí; quá trình đàm phán, thương thảo để đưa ra bản hợp đồng với các cơ quan thẩm quyền ở TP vẫn chưa có kết quả.

Đau đầu do cơ chế giao thầu

Theo các quy định trước đây và hiện nay, với các công trình được đầu tư theo hình thức BOT có nguồn vốn ngoài ngân sách, hằng năm các cơ quan có thẩm quyền (ở TP.HCM là UBND TP) phải lập, công bố danh mục các công trình sẽ được đầu tư và sau đó tổ chức đấu thầu rộng rãi. Trong trường hợp đã qua sơ tuyển nhưng chỉ còn một nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu sơ tuyển (hoặc với công trình cấp bách) thì mới tiến hành chỉ định nhà đầu tư (giao thầu).

Cuộc phân tranh giữa các nhà đầu tư BOT ở TP.HCM thời gian qua cho thấy các dự án, công trình đều được “rút ra” từ bản quy hoạch giao thông đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, không dựa trên danh mục công trình đầu tư hằng năm. Sau đó, các công trình đều được chỉ định nhà đầu tư, thay vì đấu thầu rộng rãi.

Theo giới chuyên môn, do sử dụng cách trên nên khi nắm được dự án, các nhà đầu tư thường “múa” trước các cơ quan chức năng. Nhà đầu tư đưa ra nhiều mức đầu tư cho công trình cũng như phương thức, thời gian thu hồi vốn khác nhau. Thậm chí nhà đầu tư này đưa ra các chiêu thức cạnh tranh quyết liệt với nhà đầu tư khác và đẩy cơ quan chức năng vào thế phải đi… gỡ rối.

Tại một cuộc gỡ vướng như thế, một vị lãnh đạo của TP buộc phải nói thẳng: “Phải thận trọng với các nhà đầu tư BOT, không thể để họ “kê”, kêu giá công trình bao nhiêu cũng được. Vì suy cho cùng tiền của họ bỏ ra làm cầu, đường rồi dân TP cũng phải gánh trả thôi!”

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm