Công trình cầu Sài Gòn 2: PMC với những "yêu sách"

Như đã nêu trong các bài trước, Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) đã được UBND TP giao nghiên cứu xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT.

Đội giá 1.000 tỉ đồng

Tháng 3-2008, UBND TP chỉ đạo Sở GTCC (nay là Sở GTVT) bàn giao toàn bộ kết quả, tài liệu mà sở này đã nghiên cứu, liên quan dự án trên cho PMC tiếp nhận.

Tháng 9-2009, PMC thông báo tổng mức đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 là 2.430 tỉ đồng (tương đương 136,4 triệu USD) trong khi tổng mức do Sở GTCC đưa ra theo nghiên cứu trước đó là dưới 1.800 tỉ đồng. Ngoài ra, PMC cho hay  tổng mức đầu tư sẽ được cập nhật lại theo tỉ giá USD tại ngày ký hợp đồng BOT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cộng thêm lãi vay trong thời gian xây dựng cầu. Như vậy, tổng mức đầu tư xây dựng cầu không được “chốt” lại ngay từ đầu và suốt quá trình xây dựng. Do đó, PMC sẽ không phải gánh chịu những rủi ro phát sinh như biến động tỉ giá, mức lãi vay và thời gian vay kéo dài… “Đưa ra những điều kiện như thế, PMC chơi theo kiểu lời thì hưởng, rủi ro TP chịu” - một chuyên viên Sở GTVT nói.

Công trình cầu Sài Gòn 2: PMC với những "yêu sách" ảnh 1

Cầu Sài Gòn và đường dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh luôn rơi vào tình trạng kẹt xe. Vì vậy TP rất cần  xây dựng cầu Sài Gòn 2. (Ảnh chụp chiều 31-3) Ảnh: LƯU ĐỨC

Nội làm được, cần chi ngoại?

Theo PMC, sở dĩ tổng mức đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 cao vì nhà thầu thi công sẽ là BBBH -  liên doanh nhà thầu Bilfinger Berger (Đức) cùng nhà thầu Baulderstone Hornibrook của Úc - hai đơn vị từng thi công cầu Phú Mỹ, Mỹ Thuận.

Theo một số chuyên gia cầu đường, cầu Sài Gòn 2 là cầu thấp, có yêu cầu kỹ thuật không phức tạp và có kết cấu, sơ đồ nhịp tương tự, thậm chí đơn giản hơn cầu Thủ Thiêm (đã được các đơn vị trong nước thi công thành công). Vì vậy, có cần phải có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài cho thêm tốn kém? Do đó, UBND TP cần đưa ra điều kiện sách với nhà đầu tư (BOT hoặc BT) cầu Sài Gòn 2 là phải sử dụng đơn vị thi công, lao động trong nước. Đây cũng là điều được Sở GTVT quan tâm.

Mới đây, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1 - Bộ Xây dựng) có văn bản đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM chấp thuận cho đơn vị này được nghiên cứu, triển khai xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). CC1 là đơn vị đã từng xây dựng thành công cầu Thủ Thiêm, sửa chữa cầu Văn Thánh 2, cầu Đồng Nai mới và hiện đang xây dựng cụm nút giao Tân Vạn, ngã tư Vũng Tàu…

Thông tin mới nhất cho biết lãnh đạo TP đang xem xét khả năng chuyển sang xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT trả chậm bằng tiền từ ngân sách. Một chuyên viên Sở GTVT đánh giá: “Nếu chuyển sang xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT, TP sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư. Khi đó, giá trị xây dựng cầu có thể dưới 1.800 tỉ đồng, thay vì hơn 2.400 tỉ đồng như PMC yêu cầu”.

Dùng công trình nuôi công trình

Tại một văn bản, ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PMC, cho biết sau khi hợp đồng BOT cầu Sài Gòn được ký kết và có giấy chứng nhận đầu tư, PMC sẽ đàm phán vay vốn tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, PMC xin Bộ Tài chính cấp bảo lãnh vay vốn của ngân hàng nước ngoài.

Tháng 3-2010, PMC triển khai kế hoạch phát hành 700 triệu USD trái phiếu quốc tế có sự bảo lãnh của Chính phủ để huy động vốn xây dựng ba công trình giao thông trọng điểm cho TP.HCM là: BOT cầu Sài Gòn 2, BOT tuyến xe điện mặt đất - tramway số 1, BOT và BT cầu Nhơn Trạch.

Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Gám đốc PMC, tổng mức đầu tư các dự án trên là 762 triệu USD, trong đó chủ sở hữu tham gia đầu tư là 62 triệu USD. PMC đã làm việc với Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ). Goldman Sachs sẽ thu xếp để PMC huy động được số tiền trên bằng phương thức phát hành trái phiếu quốc tế có sự bảo lãnh của Chính phủ. Tập đoàn này cũng cam kết sẽ mua hết toàn bộ trái phiếu trong trường hợp không phát hành được hoặc phát hành không hết.

Tuy vậy, các chuyên viên tài chính cho rằng dù hình thức huy động vốn cho cầu Phú Mỹ và ba công trình trên có khác nhau nhưng có cùng bản chất là “dùng công trình nuôi công trình” - lấy chính công trình làm sức hút, "vật bảo đảm" huy động vốn làm công trình ấy. Mặt khác, khi PMC phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn thì nhà nước phải lường trước gánh nặng về lãi suất trái phiếu cũng như rủi ro về tỉ giá. Khi phát hành trái phiếu quốc tế đầu tư vào cầu đường càng phải lưu ý đến hệ số rủi ro thường cao hơn, vòng quay thu hồi vốn chậm hơn so với các ngành khác. Mặt khác, phải cân nhắc kỹ khả năng và thời gian thu hồi vốn, bởi nếu không thì ngân sách sẽ lãnh đủ trong trường hợp có bảo lãnh của Chính phủ.

Việc PMC chuyển sang hình thức phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế thay vì vay tín dụng thương mại của ngân hàng là cách huy động vốn chưa từng có tiền lệ cả về đối tượng phát hành - công ty tư nhân lẫn mục đích - đầu tư giao thông. Về bản chất, nó cũng là vốn vay thương mại với lãi suất cao và nếu được nhà nước bảo lãnh trực tiếp vốn vay thì PMC quả được ưu đãi quá nhiều.

Những ý kiến lo ngại về tổng mức đầu tư, kỹ thuật thi công và nguồn tài chính do các chuyên gia đưa ra đang được UBND TP quan tâm. TP vừa thành lập tổ công tác liên ngành xem xét toàn bộ các vấn đề liên quan đến xây dựng công trình này.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm