Trong năm qua, Việt Nam (VN) đã nỗ lực cùng với các nền kinh tế thành viên của APEC thực hiện chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác đã được đề xuất, triển khai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông tin như thế tại buổi họp báo về kết quả Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, đã diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào chiều 9-11 tại Đà Nẵng.
Thống nhất nhiều văn kiện định hướng hợp tác cho APEC
Ông Phạm Bình Minh cho biết sau ba phiên họp, Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế đã thành công tốt đẹp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đặc biệt đang có nhiều thay đổi, APEC đã tiếp tục phát huy vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực; khẳng định tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao trong tình hình mới. Các bộ trưởng cũng đã khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác, liên kết của APEC.
Với quyết tâm này, các bộ trưởng đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại tự do, thuận lợi hóa đầu tư khu vực bằng cách thực hiện các mục tiêu Bogor (mục tiêu được đặt ra vào năm 1994, khi các nhà lãnh đạo APEC nhóm họp tại Bogor (Indonesia) nhằm định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới - PV).
Cụ thể là đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng; tăng cường kết nối đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách cơ cấu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng tính tự cường của các cộng đồng; chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên.
Các bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí APEC cần tạo động lực mới để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì sự phát triển châu Á-Thái Bình Dương, là động lực của tăng trưởng liên kết kinh tế toàn cầu trước xu thế mới về công nghệ toàn cầu hóa, kết nối sâu rộng hiện nay.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Các bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm. Cùng đó là vấn đề trang bị các kỹ năng mới cho người lao động thích nghi, thích ứng với việc làm trong thời kỳ kinh tế số; ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp và nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các bộ trưởng đã thống nhất nhiều văn kiện mang tính định hướng cho hợp tác APEC để trình lên nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong những ngày tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay hội nghị đã thông qua bốn văn kiện đó là: Khuôn khổ thuận lợi và thương mại, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược APEC về các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa bền vững và sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020 và Chương trình phát triển nông thôn, đô thị.
“Các bạn hãy nhìn vào Việt Nam”
Chiều cùng ngày, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski và Trưởng đại diện đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đến trao đổi trực tiếp với hàng ngàn CEO nổi tiếng quốc tế trong phiên “những chân trời mới của thương mại” tại Hội nghị thượng đỉnh DN APEC 2017 (CEO Summit).
Theo tổng thống Peru, APEC cần tiếp tục làm công việc của mình và tiếp tục thúc đẩy, đưa ra các ví dụ thành công về thương mại tự do, thỏa thuận hợp tác. “Nếu chúng ta chỉ nhìn lên trời và thấy mây đen kéo đến rồi nói trời sắp mưa thì chúng ta chẳng có thể làm được gì” - ông ví von.
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski tiếp: “Các bạn hãy nhìn vào VN, VN là ví dụ điển hình của thành công. Cách chỗ chúng ta ngồi đây một vài dặm, trước đây diễn ra một cuộc chiến ác liệt nhất nhưng bây giờ các bạn hãy nhìn VN xem. Các bạn đang ngồi đây, sẽ không ai hiểu rõ có một Công ty Viettel - công ty điện thoại viễn thông lớn của VN. Họ đang thực hiện các dự án ở Peru chúng tôi, thật sự họ rất đáng ngưỡng mộ”.
Tổng thống Peru cho rằng cần đấu tranh chống lại chủ nghĩa tiêu cực để đạt được những kết quả tốt hơn cho cộng đồng và DN.
Còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho hay: “Bất cứ chính sách nào chúng tôi cũng hướng tới có giáo dục tốt, có nhà cửa, có thể được chuyển tầng lớp này sang tầng lớp khác một cách dễ dàng hơn. Điều tôi muốn nói là khi tôi thực hiện chính sách của mình, tôi phải làm cân bằng mỗi thứ, phải nhìn rộng hơn cho cả cộng đồng”.
Bà Nguyệt Nga cho rằng lợi ích quốc gia là quan trọng nhưng lợi ích toàn cầu quan trọng hơn và chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy thương mại toàn cầu tự do.
Trên tinh thần đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ủng hộ thương mại đa biên mạnh mẽ. “Sắp xếp, thỏa thuận kinh tế song phương là những viên gạch để đặt nền móng cho thương mại đa biên. Phương hướng là phải mở và tự do. Thỏa thuận mà các bên tự đóng cửa và ôm lợi cho mình thì không thể phát huy được một liên kết kinh tế mạnh mẽ như APEC được” - bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói.