“UBND quận 1 đã nắm thực trạng tại phố đi bộ Bùi Viện như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh và đã báo cáo UBND TP.HCM về vấn đề này” - ngày 27-8, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết.
Không để xuất hiện nạn bảo kê
. Phóng viên:Hiện phố Bùi Viện được quản lý như thế nào, thưa bà?
+ Bà Nguyễn Thị Thu Hường: Khi mới thành lập phố đi bộ Bùi Viện, UBND quận 1 đã ban hành nội quy phố đi bộ, triển khai đến các cơ sở kinh doanh. Theo đó, quận yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan phải cam kết đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa giao tiếp ứng xử; phát huy vai trò tự quản của các lực lượng tại chỗ và cộng đồng dân cư.
Thời gian tới, UBND quận sẽ ban hành quy chế quản lý phố đi bộ Bùi Viện. Quận giao UBND phường Phạm Ngũ Lão thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương với sự phối hợp, hỗ trợ theo ngành dọc của các ban, ngành ở TP. CLB Văn hóa-TDTT Nguyễn Du có nhiệm vụ tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách...
. Thời gian qua, quận gặp khó khăn gì trong việc tổ chức phố đi bộ, thưa bà?
+ Do phố đi bộ Bùi Viện đang được thực hiện thí điểm theo hình thức xã hội hóa, hạn chế sử dụng ngân sách nên phương án về nhân sự quản lý cũng được thực hiện theo cơ chế hợp tác. Theo đó, đơn vị xã hội hóa thuê bảo vệ chuyên nghiệp, gắn với việc phát huy vai trò tự quản của các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố chứ không thành lập ban quản lý phố đi bộ Bùi Viện như tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
. Được biết quận 1 đang có kế hoạch mở rộng phố đi bộ Bùi Viện, cụ thể thế nào?
+ Đầu tháng 5-2018, Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương cho thí điểm tổ chức phố đi bộ Bùi Viện mở rộng. Đến ngày 31-7, Văn phòng UBND TP có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về phố đi bộ Bùi Viện.
UBND TP chỉ đạo UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát, phân bổ hợp lý các loại hình kinh doanh, loại hình dịch vụ ở từng tuyến đường, đảm bảo tính mỹ quan, đảm bảo các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống trong tổng thể khu phố đi bộ.
Công an TP được giao chủ trì, phối hợp với UBND quận 1 quyết liệt đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; có phương án quản lý chặt chẽ, kiên quyết không để xuất hiện hoạt động bảo kê, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen và các loại tội phạm khác. Không để xảy ra các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm… Nghiên cứu hình thành đội phản ứng nhanh để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động của phố đi bộ.
Quận 1 cũng đã làm việc với các đơn vị đăng ký tham gia xã hội hóa phố đi bộ Bùi Viện. Theo đó, đơn vị xã hội hóa hiện nay là Công ty Vinama không đảm bảo được tài chính nên muốn chấm dứt hợp tác. Công ty Bình Minh đang đề xuất được tham gia xã hội hóa phố đi bộ giai đoạn mở rộng. Sau khi làm việc với hai đơn vị, UBND quận đã trình xin chủ trương UBND TP về phương án xã hội hóa tại phố đi bộ giai đoạn 2018-2023 và đang chờ chỉ đạo của TP.
Phố đi bộ Bùi Viện, quận 1 chưa khiến du khách an tâm khi tham quan. Ảnh: K.CƯỜNG
Có nhiều loại hình văn hóa
. Với đề án của quận, các cửa hàng kinh doanh tại phố Bùi Viện sẽ được sắp xếp như thế nào?
+ UBND quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế chủ trì, rà soát, phân bổ hợp lý các loại hình kinh doanh, loại hình dịch vụ ở từng khu vực; nghiên cứu, khảo sát, đa dạng hóa các loại sản phẩm lưu niệm để thu hút, tạo ấn tượng với du khách. Phòng Văn hóa và Thông tin phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý phố đi bộ Bùi Viện.
Phòng Quản lý đô thị chủ trì, rà soát, quy hoạch các bãi giữ xe; nghiên cứu phương án tổ chức xe trung chuyển để đưa đón du khách vào ra phố đi bộ. CLB Văn hóa-TDTT Nguyễn Du tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách; UBND phường Phạm Ngũ Lão thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương. Phường cũng đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh xử lý các vi phạm về ô nhiễm âm thanh trên tuyến phố.
Mặt khác, UBND quận 1 sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đề xuất quy hoạch các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh tại tuyến phố đi bộ (mở rộng) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
. Xin cám ơn bà.
Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu: Xem Bùi Viện là phố đi bộ ẩm thực Trên thực tế, mỗi khu phố đi bộ có một công năng khác nhau, như phố văn hóa, phố cà phê, phố ẩm thực, đường sách… và sẽ được xây dựng, thiết kế theo từng chủ đề riêng. Trường hợp phố Bùi Viện nên được xem là phố đi bộ ẩm thực, tương tự như khu Khao San của Bangkok, Thái Lan. Theo tôi được biết, do ngân sách hạn hẹp nên TP.HCM đã triển khai phố này theo quan điểm tận dụng các giải pháp “phi công trình” (nghĩa là hạn chế giải phóng mặt bằng và ngân sách). Vì vậy không thể so khu Bùi Viện với phố đi bộ Nguyễn Huệ được và chúng ta không nên trông chờ sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật ở đây. Thời gian tới, TP.HCM cần có những quy hoạch bài bản hơn khi tạo lập các không gian du lịch và các phố đi bộ. Điều này sẽ dễ dàng thực hiện ở những khu vực được xây dựng mới như quận 7 hay Thủ Thiêm. Còn với các khu phố cũ thì khi quy hoạch cần phải có sự đồng thuận của hầu hết các hộ dân trong khu vực và cũng cần có thời gian để người dân tự chuyển đổi loại hình kinh doanh. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch: Đừng kỳ vọng Bùi Viện là thương hiệu du lịch Phố đi bộ Bùi Viện có nét giống các phố Papong, Khao San, Pattaya (Thái Lan) nhưng còn thua xa về an ninh trật tự. Ở những nơi này, muốn ăn uống, nhậu nhẹt ,du khách phải vào bên trong các hàng quán chứ không được ngồi tràn lan trên vỉa hè. Chúng ta đừng kỳ vọng phố đi bộ Bùi Viện trở thành một thương hiệu du lịch thu hút khách tới TP.HCM. Thực tế các cửa hàng mua sắm, dịch vụ ở đây hoàn toàn mang tính tự phát, tận dụng ưu thế đã có sẵn một lượng khách Tây ba lô tập trung từ lâu đời. Phố đi bộ Bùi Viện hoạt động theo cách hiện nay chủ yếu mang lại lợi ích cho cư dân tại chỗ chứ chẳng mang lại lợi ích cho thương hiệu du lịch TP.HCM. Các cơ quan chức năng cần thay đổi cách quản lý mới xóa bỏ được những tồn tại nêu trên và tốt nhất là đi học cách quản lý phố đi bộ từ những nước lân cận. |