Thêm vào đó, quýt Trung Quốc bị người tiêu dùng tẩy chay do sợ sử dụng hóa chất bảo quản nên giá quýt hồng trong nội địa tăng cao. Giá quýt được thương lái thu mua tại vườn nhà ông Ba Tùng (Trần Thanh Tùng thuộc ấp Vồ Bà, xã An Hảo) hiện lên đến 30.000 đồng/kg loại 1. Giá quýt xô cũng nằm ở mức 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá quýt hồng năm ngoái.
Tấp nập người hái quýt hồng tại vườn ông Ba Tùng ngày 27 Tết
Nhờ đó, gia đình nông dân nổi tiếng trồng quýt trên núi Cấm Ba Tùng mừng khấp khởi. “Vườn quýt nhà tôi bắt đầu thu hoạch từ ngày 25 tháng Chạp, kéo dài đến tận giờ giao thừa mới nghỉ hái. Năng suất quýt hồng năm nay của vườn nhà tôi đạt cao hơn năm rồi. Thay vì năm ngoái cả vườn thu hoạch chỉ 30 tấn quýt thì nay được khoảng 40 tấn. Với giá quýt này gia đình tôi chắc chắn đón tết lớn rồi. Tôi vừa mua về xẻ thịt hai con heo để cúng tổ tiên và đãi bà con láng giềng trên núi Cấm cùng chung vui. Tôi kiếm lời vài trăm triệu đồng từ mùa quýt nên mừng lắm” - ông Tùng phấn khởi kể.
Quýt được hái cho vào giỏ xách và chất lên xe máy chở xuống theo đường mòn đèo dốc, bán cho các vựa dưới chân núi Cấm. Tấp nập xe chở quýt lên xuống núi vẫn không đủ cung ứng cho thị trường đang hút hàng.
Quýt hồng chín mộng trĩu cành
“Mấy ngày nay, ngày nào cũng có cả chục lái quýt từ các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… về vựa của tôi chờ mua quýt. Vậy mà bao nhiêu quýt hái được trên núi mang xuống cũng không đủ bán. Nhiều lái phàn nàn đợi cả ngày cũng không mua được trái quýt. Quýt hồng núi Cấm chất lượng ngon, ngọt và không xài chất bảo quản như quýt Trung Quốc nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi ngày vựa của tôi mua 11 tấn quýt nhưng không đủ để bán ra. Muốn lấy vài ký tặng bạn bè về chưng tết cũng không được, do quýt quá hút hàng. Mùa xuân này dân lao động, thương lái, chủ vựa và nhà vườn trồng quýt trên núi Cấm đều phấn khởi do đồng lời từ trái quýt rất hấp dẫn. Hơn chục năm nay quýt nội địa bị quýt ngoại cạnh tranh nên chưa được nhiều người biết đến. Năm nay, khi người ta biết đến chất lượng của nó thì không đủ để bán” - anh Bùi Văn Đen, chủ vựa trái cây lớn nhất dưới chân núi Cấm hồ hởi khoe.
Đến vườn quýt nổi tiếng vùng Bảy Núi của lão Ba Tùng mấy ngày này rộn ràng cảnh hái quýt chín đỏ rộp vườn. Họ tất bật hái để tranh thủ bán cho dân các tỉnh miền Tây mua về chưng tết.
Mùa xuân như ngập tràn, hối hả về trên đỉnh núi huyền thoại này.
Hái quýt cho vào trạc (cần xé)
Những trạc đầy quýt chín đỏ bắt mắt được chuyển từ trên cây xuống mặt đất
Cảnh hái, gánh, thu mua quýt chộn rộn cả ngày
Trẻ em vùng núi có dịp kiếm tiền xài tết từ nghề gánh, vác quýt mướn
Thương lái ngồi tại vườn phân loại quýt
Hàng loạt giỏ quýt được tập trung chờ chuyển xuống núi
Nhiều giỏ quýt được chất lên xe chở xuống núi theo đường đèo dốc chuyển đến các vựa thu mua dưới chân núi Cấm
Tại vựa quýt người ta tiếp tục phân loại để bán theo túi tiền của khách hàng
Vựa quýt của anh Bùi Văn Đen mỗi ngày thu mua 11 tấn quýt nhưng không đủ bán
Quýt loại lớn thế này hiện có giá bán tới 30.000 đồng/kg nên nhà vườn phấn khởi do vừa trúng mùa mà được giá. Riêng ông Ba Tùng xẻ thịt tới hai con heo để ăn mừng trúng đậm mùa hái quýt
Mùa xuân như tràn ngập khắp các vườn quýt trên núi Cấm. Nhiều chùm quýt chín đẹp lộng lẫy như đôi má ửng hồng của những cô thiếu nữ miền sơn cước
Tin, ảnh: VĨNH SƠN