Ra mắt Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu

(PLO)- Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa - Vũng Tàu trước 30-4-1975 vừa phối hợp cùng Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tổ chức Chương trình Ký ức Truyền lửa với chủ đề “Đầu súng trăng treo”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chương trình nhằm tri ân và giao lưu giữa những người từng tham gia hoạt động kháng chiến tại Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30-4-1975, đồng thời chính thức ra mắt Ban Vận động của Hội.

Tham dự chương trình ý nghĩa này có nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu qua các thời kỳ trong đó nhiều người trực tiếp tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng.

Ngoài ra còn có 500 đại biểu đại diện cho hơn 1.700 người tham gia hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975 hiện đang sinh sống ở các tỉnh, thành phố và các địa phương trong tỉnh về tham dự. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của các bạn đoàn viên, thanh niên đại diện cho thế hệ trẻ của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Mở đầu chương trình, thay mặt Ban vận động, ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Trưởng ban Vận động bày tỏ sự xúc động và gửi lời chúc sức khỏe đến các đại biểu, các đồng chí- đồng đội tham dự chương trình “Ký ức truyền lửa” đầu xuân 2024 và cả những người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu vì nhiều lý do không thể đến dự chương trình trực tiếp.

Ra mắt Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975
Ban vận động Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975 ra mắt. Ảnh: TK

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, việc thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa-Vũng Tàu mang nhiều ý nghĩa. Qua đó những người hoạt động kháng chiến ở tỉnh có thêm một tổ chức hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ nhau. Bên cạnh đó còn hướng đến mục đích quan trọng nữa là truyền tải ký ức cho thế hệ trẻ.

"Truyền tải ký ức trong mỗi cuộc hội ngộ của những người trực tiếp tham gia kháng chiến không chỉ là nhắc nhớ về công lao mà là trách nhiệm chuyển giao, giáo dục-bồi đắp cho thế hệ sinh ra sau chiến tranh về tình yêu quê hương đất nước-yêu con người, ý thức về giá trị hòa bình-độc lập, về trách nhiệm với sự nghiệp ông cha.

Sau lễ ra mắt Ban Vận động, tất cả thành viên trong Ban Vận động sẽ nỗ lực thúc đẩy nhanh thủ tục thành lập Hội, để những người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu có thêm cơ hội chia sẻ-hỗ trợ nhau"- ông Nguyễn Văn Nhân, nhấn mạnh.

Ra mắt Ban Vận động thành lập Hội hỗ trợ người hoạt động kháng chiến ở Bà Rịa- Vũng Tàu trước 30/4/1975
500 đại biểu là những người từng tham gia hoạt động kháng chiến tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tham dự chương trình. Ảnh: TK

Tiếp đó chương trình diễn ra với những tiết mục văn nghệ được dàn dựng hay, ý nghĩa và xúc động với phần trình bày của các ca sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt là của chính những cô, bác cũng là người từng tham gia kháng chiến năm xưa biểu diễn; xen lẫn những câu chuyện của chính những người con quê hương Bà Rịa- Vũng Tàu từng tham gia kháng chiến. Trong đó có những người sau này đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Nhiều câu chuyện kể, chia sẻ của các đại biểu khách mời đã khiến các đại biểu trong hội trường không kìm được những giọt nước mắt xúc động khi ký ức về một thời bom đạn chiến tranh, mất mát và chia ly, những tháng ngày cùng chiến đấu, hoạt động bên đồng đội trở về…

Ong-Nguyen-Trong-Minh.jpg
Ông Nguyễn Trọng Minh (bên phải ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng đệm đàn, song ca một bài hát tại chương trình. Ông Minh cũng là người tham gia kháng chiến trước 30/4/1975. Ảnh: TK

Phát biểu tại phần sau chương trình, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ, chương trình là buổi gặp gỡ ý nghĩa, tiếp thêm động lực cho thế hệ hôm nay nỗ lực, phấn đấu kế tục xứng đáng thành quả mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.

Theo ông Thông, bên cạnh chính sách chung của Đảng-Nhà nước, tỉnh còn cân đối từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ thêm với người có công, gia đình có công như: tặng thẻ bảo hiểm y tế, thăm khám sức khỏe định kỳ, tặng sổ tiết kiệm. Mỗi năm, hàng trăm người có công luân phiên được các cấp chính quyền, các ngành chức năng tổ chức đi tham quan, an dưỡng.

ky-uc-truyen-lua.jpg
Thế hệ trẻ Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện nghi thức tri ân các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: TD

Đặc biệt, việc thăm hỏi-tặng quà, trợ cấp mỗi dịp Lễ Tết cho người có công- gia đình chính sách được tỉnh và cả cộng đồng thực hiện trân trọng, chu đáo. Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh vận động nhiều tỷ đồng, góp phần hỗ trợ đời sống và tập trung hơn cả là xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.

Đền ơn đáp nghĩa là dòng chảy vô tận, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu luôn mong muốn mở rộng hơn, khơi nguồn mạnh mẽ hơn mạch nguồn này. Việc có thêm mối gắn kết, hỗ trợ những người hoạt động kháng chiến ở tỉnh càng đáng trân trọng, lại càng ý nghĩa khi sự hỗ trợ-chia sẻ xuất phát trong chính đồng đội- đồng chí một thời máu lửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm