Chiều 30-11, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Tư vấn Mỹ thuật Trà Quế (thành viên Hiệp hội Nghệ nhân và Thủ công Hoa Kỳ) và nền tảng thương mại điện tử Foodmap. Asia, công bố dự án Giỏ quà Tết 2021 mang tên "Đầu cơ nghiệp".
Dự án Giỏ quà Tết 2021 "Đầu cơ nghiệp" với thông điệp “món ngon cũ, cách nhìn mới” mang đến những sản vật bản địa, sản phẩm đoạt giải của cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp nông nghiệp mà ban tổ chức đã tìm kiếm trong suốt hành trình đồng hành cùng người nông dân Việt, nông sản Việt.
Chẳng hạn như đậu phộng truyền thống Cần Thơ, tôm khô rừng Cà Mau, mứt sơ ri Tiền Giang, cà phê đặc sản Lâm Đồng, rượu vang Phan Rang, khô bò xông khói Đồng Tháp, khô gà lá trúc, mứt hoa bụp giấm....được làm độc đáo trong chiếc "áo mới" mùa tết.
Đại diện liên minh này cho biết, với ý tưởng thúc đẩy các sản vật làng nghề, tài nguyên bản địa của Việt Nam, sản phẩm của các dự án khởi nghiệp nông nghiệp là mục tiêu chung mà cả ba đơn vị đã triển khai nhiều năm nay. Sự kết hợp này là nỗ lực cho đặc sản Việt phát triển lên một giai đoạn mới là hội nhập toàn cầu.
Những sản vật, nông sản Việt được khoác "áo mới" trong dịp tết 2021
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, sáng lập viên Trà Quế, thành viên Hiệp hội Nghệ nhân và Thủ công Hoa Kỳ, đại diện nhóm điều hành dự án này, cho biết một trong những giá trị quan trọng nhất để ba đơn vị cùng ngồi lại với nhau là tìm kiếm sự phát triển bền vững.
Muốn bền vững thì liên kết là yếu tố quan trọng, cùng đề cao tính bản địa, phát triển nền sản xuất địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ nhân dân gian, sản phẩm tự nhiên.
“Chúng tôi kỳ vọng liên minh sẽ không dừng lại ở ba thành viên khởi xướng mà sẽ mở rộng thêm những đơn vị khác tham gia vào chuỗi giá trị này” - bà Yến nói.
Là đơn vị tổ chức thực hiện chuỗi hành trình Khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững, bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Phiên chợ Xanh Tử Tế, cho biết các sản phẩm làng nghề qua sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của các thanh niên nông thôn đã tạo ra một thế hệ đặc sản mới của Việt Nam.
Tuy nhiên, để gia tăng hàm lượng mỹ thuật và tiêu chuẩn thế giới, cộng với kết hợp công nghệ bán hàng trực tuyến mới có thể đưa các sản phẩm này đi xa hơn. Do đó, liên minh này sẽ tạo một đột phá mới cho công tác phát triển tài nguyên bản địa.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap.Asia, cho biết việc chọn tên doanh nghiệp khởi nghiệp của mình là Foodmap.Asia với một kỳ vọng toàn cầu nhưng gánh hàng hoá gì ra thế giới thì nông sản Việt là một lựa chọn chiến lược.
"Liên kết tạo ra sức mạnh chung chính là công thức để nông sản Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi tự hào được tham gia vào đội ngũ những người tiên phong trên con đường nhiều thách thức này" - ông Tùng nói.