“Trong ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, chưa có vấn đề nào giải quyết mất nhiều thời gian như vấn đề tàu vỏ thép bị hư hỏng. Đến nay đã có 27 cuộc họp liên quan. Riêng vấn đề bồi thường thiệt hại do tàu bị hư hỏng đã trải qua ít nhất năm cuộc họp nhưng chưa đi đến thống nhất”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, bức xúc nói như vậy tại cuộc họp giải quyết việc bồi thường tàu vỏ thép hỏng do sở này tổ chức chiều 2-4.
Hàng loạt tàu vỏ thép bị hỏng nặng, phải nằm bờ dài ngày nhưng các công ty đóng tàu lại từ chối bồi thường. Ảnh: TL
Theo ông Hổ, 19 chủ tàu vỏ thép ở Bình Định yêu cầu hai doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) phải bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tổng cộng hơn 45,6 tỉ đồng. Trong đó, 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường tổng cộng hơn 36,5 tỉ đồng, năm chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương bồi thường hơn 9 tỉ đồng.
Số tiền này gồm nhiều khoản mà các chủ tàu đã chi để sửa chữa tàu ngay sau khi nhận tàu đóng mới; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng không đi khai thác; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; bị hư hỏng sản phẩm do đóng tàu không đúng yêu cầu. Cùng đó là tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ dài ngày chờ sửa chữa; nợ gốc, lãi ngân hàng...
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, nhiều lần thương lượng cùng nhiều văn bản hứa hẹn, trì hoãn, đến nay hai công ty trên chỉ đồng ý “hỗ trợ” cho mỗi tàu từ vài triệu đến vài chục triệu đối với một số khoản. Trong khi ngư dân ngày càng bức xúc thì đại diện hai công ty trên tiếp tục yêu cầu thương lượng lại với từng chủ tàu về từng khoản bồi thường.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định, ban đầu khi ngư dân yêu cầu bồi thường, Công ty Đại Nguyên Dương không đồng ý đền bù mà đề nghị các chủ tàu kê khai lại các khoản thiệt hại, đồng thời cung cấp các chứng từ, hóa đơn.
Sau khi ngư dân kê khai lại, Công ty Đại Nguyên Dương từ chối bằng văn bản: “Công ty không đồng ý giải quyết và không có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trước khi đưa tàu lên đà sửa chữa do công ty đã thực hiện việc bảo hành, sửa chữa những hư hỏng theo đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Việc yêu cầu bồi thường của năm chủ tàu là không có căn cứ’’.
Còn lãnh đạo Công ty Nam Triệu lúc đầu cho rằng yêu cầu của ngư dân về bồi thường là chính đáng, công ty ghi nhận và hứa đền bù hợp lý, giải quyết dứt điểm trong tháng 2-2018. Sau đó, công ty này cũng yêu cầu ngư dân kê khai lại thiệt hại, cung cấp chứng từ, hóa đơn để có cơ sở xem xét trả lời.
Sau khi ngư dân kê khai lại, Công ty Nam Triệu cũng có văn bản từ chối: “Công ty không có trách nhiệm bồi thường, đền bù cho 14 chủ tàu do công ty đã tuân thủ hợp đồng đã ký, thực hiện đúng thiết kế, quy trình theo quy định đã được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ theo từng giai đoạn có xác nhận của cơ quan đăng kiểm tàu cá.
Khi xảy ra sự cố, công ty đã hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho từng chủ tàu; thay thế, sửa chữa, bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của 14 chủ tàu là không có căn cứ. Công ty chỉ đồng ý hỗ trợ một số khoản để chia sẻ khó khăn với 14 chủ tàu bị thiệt hại’’.
Ngư dân điêu đứng vì tàu vỏ thép hỏng liên tục. Ảnh: NL
Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương cùng ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu đề nghị tiếp tục gặp từng ngư dân chủ tàu để thương lượng. Riêng ông Nguyên tuyên bố nếu hai bên không đồng thuận thì cùng nhau ra tòa giải quyết. Còn ông Hùng cũng đồng ý giải quyết theo quy định pháp luật.
Trước tình hình trên, giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định nói dứt khoát: “Nếu hai bên vẫn không đi đến thống nhất thì sau một tháng, Hội Luật gia tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ, tư vấn pháp lý để ngư dân kiện ra tòa. Sau cuộc họp này, Sở NN&PTNT không giải quyết nữa mà để tòa án giải quyết”.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định, khi ngư dân khởi kiện ra tòa, Hội luật gia sẵn sàng hỗ trợ về pháp lý theo pháp luật.
Năm tàu vỏ thép vẫn chưa ra khơi ra trở lại Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đến nay đã sửa chữa xong 20 tàu vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn năm tàu chưa ra khơi đánh bắt trở lại do còn chuyển đổi nghề sau khi sửa chữa. Trong số các tàu đi đánh bắt, có hai tàu bị lỗ, bốn tàu hòa vốn, còn lại lãi dưới 100 triệu đồng mỗi chuyến. |