“Giờ huyện huy động lực lượng thu gom, dọn dẹp, tuyên truyền cho người dân nhưng vẫn không xử lý kịp. Dân vẫn lén vứt ra đường. Lượng rác tồn đọng tại huyện bây giờ khoảng hơn 20 tấn”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 5-12, ông Lê Trung Thành (Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết như trên.
Nhà máy rác gần 300 tỉ chậm tiến độ
Chiều 5-12, chúng tôi có mặt tại dự án Nhà máy rác Nghĩa Kỳ (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), mục sở thị tiến độ thi công tại đây. Dự án được đầu tư xã hội hóa trên diện tích 10,9 ha với tổng vốn 298 tỉ đồng. Nhà máy có công suất 250 tấn/ngày đêm, xử lý rác cho TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành.
Ông Nguyễn Tấn Pháp cho hay Nhà máy rác Nghĩa Kỳ đã vận hành thử nghiệm từ ngày 15-9. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng miền Bắc (chủ đầu tư Nhà máy rác Nghĩa Kỳ), dự án cơ bản hoàn thành.
Hiện hai nhà xưởng phân loại, xử lý rác và ủ rác đã hoàn thành. Nhà xưởng sản xuất phân vi sinh đạt 70% tiến độ. Đơn vị đã xin phép Bộ TN&MT vận hành thử nghiệm từ ngày 15-9, thời hạn vận hành thử nghiệm không quá sáu tháng. Sau đó, Bộ TN&MT vào nghiệm thu mới cho phép hoạt động chính thức.
Nói về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Pháp cho hay do tỉnh Quảng Ngãi giao mặt bằng chậm. Dự án đáng lẽ khởi công sớm và cam kết tiến độ đến tháng 9-2017 phải xong. Nhưng đến ngày 9-12-2017 công ty mới nhận được mặt bằng và khởi công. Thời hạn mới là 30-9-2018 hoàn thành.
Tuy nhiên, theo ông Pháp, dự án vấp nhiều khó khăn. Riêng việc xin phóng tuyến về trạm điện nhà máy mất đến sáu tháng. Ngoài ra, thời điểm khởi công thời tiết mưa liên tục ảnh hưởng việc thi công. Khu vực này hiện tại cũng hay có mưa vào buổi chiều. Nhân lực tại chỗ thiếu, không được bổ sung kịp thời và tuyến đường nối vào nhà máy hư hỏng nặng cũng ảnh hưởng việc thi công nhà máy.
Vì những lý do đó, ông Pháp cho hay phải đến cuối quý I-2019 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động chính thức. “Tuy nhiên, địa phương cũng phải làm sao để người dân không cản trở xe rác vào nhà máy nữa thì mới hoạt động được. Nhà máy đã tích trữ rác cho các huyện từ ngày 15-3 đến 6-7 nhưng dân phản đối nên phải dừng lại” - ông Pháp nói.
Phải đến cuối quý I-2019 Nhà máy rác Nghĩa Kỳ mới hoạt động chính thức. Ảnh: TẤN VIỆT
Bí phương án xử lý
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Thành cho hay huyện Tư Nghĩa đã triển khai hàng loạt biện pháp, giao trách nhiệm cho mỗi xã chọn vị trí thu gom. Huyện hỗ trợ các bao to dồn rác vào, tẩm hóa chất. Khi nhà máy rác hoạt động thì đưa các bao rác này đi.
“Nhân dân tự phân loại, tự xử lý. Hiện nay một số nơi làm được, một số nơi dân hợp tác không cao. Huyện đã chỉ đạo những nơi bị cục bộ phải đốt nhưng lượng phát sinh nhanh quá, những ngày vừa rồi có mưa nên cũng trở ngại cho việc đốt” - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, ngoài việc thúc tiến độ nhà máy rác, huyện cũng sẽ lên đối thoại với người dân xã Nghĩa Kỳ một lần nữa để dân đồng thuận.
Lý do người dân Nghĩa Kỳ phản đối nhà máy rác, ông Thành cho hay do bãi rác cũ đã ô nhiễm nhiều năm, không xử lý được. Nghĩa địa gần nhà máy rác thải nước rỉ nên ô nhiễm trầm trọng hơn.
“Nhiều vấn đề như vậy nên dân bức xúc chặn xe chở rác. Dân yêu cầu phải cung cấp nước sạch. Khoảng 20 hộ gần nhà máy yêu cầu phải di chuyển đi, yêu cầu tỉnh đối thoại. Huyện cũng lên đối thoại với dân mấy lần, người dân cũng chia sẻ nhưng họ yêu cầu chủ tịch tỉnh lên đối thoại mới chịu, chứ huyện họ không chịu nghe” - ông Thành nói. Được biết huyện Tư Nghĩa đã có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh sắp xếp đối thoại với dân.
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định người dân giờ không phản đối nhà máy rác nữa mà mong cho nhà máy rác xong để xử lý vì giờ rác nhiều quá rồi.
“Tỉnh đã có nhiều văn bản đốc thúc tiến độ nhà máy, Sở cũng chạy lên chạy xuống nhiều lần theo dõi. Sở cũng đã yêu cầu công ty cấp thoát nước kéo đường ống lên phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Ở huyện thì kêu gọi tự xử lý thôi chứ giờ cũng bí, chờ nhà máy thôi chứ cũng bí” - ông Hải nói.
Như đã thông tin, dọc theo tuyến quốc lộ 1 qua huyện Tư Nghĩa rác thải ngập ngụa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến người đi đường phải đưa tay bịt mũi. Rác chất đầy ven quốc lộ 1 cũng sinh sôi ruồi nhặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những hộ dân sống tại đây.
Không những quốc lộ 1, trên những tuyến đường nối vào các xã thuộc huyện Tư Nghĩa, rác thải dày đặc. Cảnh tượng đường sá biến thành bãi rác khiến người dân ngao ngán.