Như Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 22-11 phản ánh qua bài “Chôn rác thải công nghiệp: Có thể phạt hàng chục tỉ”, hôm nay các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ đổ trộm hàng chục tấn chất thải nguy hại để san lấp mặt bằng xảy ra tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Được biết số chất thải trên có nguồn gốc từ Nhà máy giấy Lee&Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Đơn vị hợp đồng vận chuyển, xử lý rác là Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (trụ sở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Đào lên tới đâu thấy rác tới đó
Sáng 22-11, đoàn kiểm tra gồm Sở TN&MT TP.HCM và huyện Bình Chánh đã phối hợp tiến hành đào khảo sát khu đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, nơi nghi vấn Công ty Bắc Nam chôn trộm rác thải để san lấp mặt bằng.
Khu đất rộng khoảng 8.000 m2 được bao quanh bởi các con kênh, rạch, ao hồ, phía trên là lớp đất có lẫn các tạp chất và cỏ không thể mọc trên khu đất này. Sau khi xác định vị trí cần đào, khoảng 10 giờ, một máy xúc được điều đến và bắt đầu cào những khối đất đầu tiên.
Chỉ với khoảng 3-4 lần xúc, đào sâu 1-2 m, máy xúc đã chạm tới phần đất đen phía dưới với rác thải trộn lẫn, cộng thêm nước đen ngòm như nước cống, bốc mùi hôi nồng nặc.
“Tới phần rác, dừng lại để chụp hình lại. Toàn rác là rác, có cả nylon” - một thành viên trong đoàn kiểm tra vừa lắc đầu vừa nói. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy rõ rác được chôn lấp đang phân hủy và cả những loại khó phân hủy như dây cao su, chai nhựa… và có cả những bao chứa rác vẫn còn nguyên vẹn.
Sau hố đào đầu tiên, cơ quan chức năng tiếp tục đào thêm 3-4 vị trí nữa. Cứ máy xúc chạm đến đâu thì toàn rác được móc lên đến đó. Giữa trưa nắng chói chang, mùi hôi nồng nặc bốc lên từ những hố đào.
Đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy mẫu rác và đo đạc toàn bộ khu đất. “Chúng tôi sẽ phân tích, xác định các loại rác thải này là gì để biết được chính xác gồm những thành phần nào, vì có những loại lẫn với đất đen khó phân biệt. Cơ quan chức năng cũng sẽ mời Công ty Bắc Nam đến làm việc để tiếp tục xử lý các bước tiếp theo” - một cán bộ đoàn kiểm tra cho biết.
Tại khu vực nghi chôn trộm rác thải (ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), máy xúc đào tới đâu thì rác lộ lên tới đó. Ảnh: K.CƯỜNG
Vào thời điểm kiểm tra, tại điểm tập kết phế liệu của Công ty Bắc Nam (ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) còn lưu chứa lượng phế liệu ước tính khoảng 500 tấn. Ảnh: N.CHÂU
Công ty Bắc Nam hoàn toàn không biết?
Sáng cùng ngày, PV Pháp Luật TP.HCM đã tiếp xúc với ông Uông Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam, để làm rõ thêm những nghi vấn liên quan việc chôn trộm chất thải tại khu đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Sau khi kiểm tra, phát hiện tại bãi tập kết phế liệu của Công ty Bắc Nam tồn đọng khoảng 500 tấn phế liệu, đoàn kiểm tra huyện Bình Chánh yêu cầu ông Uông Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam, chuyển toàn bộ lượng phế liệu trên đến nơi tiếp nhận trước ngày 27-11. Sau thời gian trên, nếu ông Giang không chấp hành, đoàn sẽ kiểm tra, tham mưu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. |
Ông Giang cho biết: “Công ty Bắc Nam có ký hợp đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại với Nhà máy giấy Lee&Man. Công ty tôi hoàn toàn không dùng rác thải san lấp mặt bằng và tôi cũng hoàn toàn không hề biết điểm tập kết rác nào ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh như báo chí đã đưa tin. Ngay cả hình ảnh xe trên báo đưa có một số hình ảnh không phải xe của công ty chúng tôi”.
Theo ông Giang, trong năm 2018 Công ty Bắc Nam có tiếp nhận một số lượng chất thải từ Nhà máy giấy Lee&Man. Sau đó, công ty vận chuyển số lượng chất thải công nghiệp đó cho Công ty TNHH Kbec Vina (Bà Rịa-Vũng Tàu) để xử lý. Có một vài tháng Công ty Bắc Nam còn để tồn đọng vài trăm tấn chất thải tại điểm tập kết nguyên liệu, phế liệu của công ty tại ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè.
Cũng sáng qua, đoàn kiểm tra huyện Nhà Bè gồm đại diện Phòng TN&MT huyện, công an huyện và cán bộ địa chính xã Long Thới đã đến kiểm tra điểm tập kết nguyên liệu, phế liệu của Công ty Bắc Nam. Tại thời điểm kiểm tra, tại điểm tập kết này vẫn còn lưu chứa một lượng phế liệu ước tính khoảng 500 tấn.
Theo biên bản làm việc giữa đoàn kiểm tra với Công ty Bắc Nam, qua buổi khảo sát khu vực tập kết, đoàn kiểm tra ghi nhận chưa thấy dấu hiệu của việc tận dụng lượng phế liệu này để san lấp mặt bằng.
Theo giải trình của ông Giang với đoàn kiểm tra, do ông chưa thanh toán phần kinh phí tiếp nhận lượng phế liệu trước đó nên đến tháng 10-2018 Công ty TNHH Kbec Vina yêu cầu thanh toán hết thì mới tiếp tục tiếp nhận phế liệu. Vì vậy, tại điểm tập kết mới còn tồn lượng phế liệu trên.
Vụ việc này đang được Sở TN&MT TP.HCM làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Lee&Man: Đợi cơ quan chức năng làm rõ Ngày 22-11, PV Pháp Luật TP.HCM cũng đã đặt câu hỏi với đại diện Nhà máy Lee&Man xung quanh việc hợp đồng vận chuyển, giám sát và xử lý rác thải của nhà máy với Công ty Bắc Nam. Đại diện Nhà máy Lee&Man nói chưa thể trả lời vì phải trình lãnh đạo có ý kiến. Qua trao đổi thêm, vị đại diện nhà máy nói: “Công ty Bắc Nam nói một số xe đổ rác trộm không phải xe của công ty, như thế là ý kiến chủ quan của Công ty Bắc Nam, Lee&Man chưa có điều kiện kiểm chứng với Công ty Bắc Nam. Việc này thì phải đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ”. Trước đó, Lee&Man đưa ra thông cáo báo chí về việc vi phạm của một số đơn vị thu gom, xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, không nguy hại. Theo đó, Lee&Man cho biết sau khi nhận được phản ánh về một đơn vị đối tác có dấu hiệu vi phạm, Lee&Man đã ngay lập tức tiến hành rà soát. Sau quá trình điều tra, phát hiện rõ các dấu hiệu vi phạm của đơn vị này, Lee&Man đã ngay lập tức chấm dứt hợp đồng và đặt mối quan hệ hợp tác với một đối tác khác có khả năng đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng theo quy định pháp luật. H.DƯƠNG |