Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, nhiều tháng nay có các xe tải đổ rác thải để san lấp mặt bằng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Nguồn rác thải được xác định là của Công ty Giấy Lee&Man; đơn vị hợp đồng vận chuyển, xử lý rác cho Công ty Lee&Man là Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (trụ sở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Sở TN&MT nhận định có dấu hiệu hình sự
Bước đầu Sở TN&MT TP.HCM nhận định sự việc có dấu hiệu vi phạm hình sự vì căn cứ kết quả khảo sát, khối lượng chất thải chôn lấp là rất lớn. Theo Sở, ngay sau khi vụ việc được phản ánh, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát hiện trường tại khu đất trên và đào sáu lỗ trên đất, đến độ sâu đụng lớp đất thịt thì dừng.
Bằng cảm quan, đoàn khảo sát đánh giá vật liệu chôn lấp của 4/6 lỗ đào không phải là đất, thành phần chủ yếu là nylon dạng mảnh vụn, sợi dài, simili, một số bao bì giấy, nhựa có khả năng là chất thải công nghiệp. Khối lượng chất thải đánh giá sơ bộ là 15.000 m3 và cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu để kiểm nghiệm về thành phần, xác định chất thải nguy hại hay không nguy hại…
Về kết quả xét nghiệm mẫu rác thải, ngày 28-11, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết Sở và các đơn vị chuyên môn đã lấy mẫu tại nơi chôn rác thải ở khu đất xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để kiểm tra nhưng hiện vẫn chưa có kết quả về mẫu thử.
Trong văn bản báo cáo, Sở kiến nghị UBND TP xem xét, giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các bên để xác minh, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 28-11, ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, Bình Chánh, cho biết chiều 27-11 xã đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm cán bộ, công chức và những người có trách nhiệm liên quan đến việc không phát hiện có tình trạng san lấp rác ở địa phương.
Cơ quan chức năng đang khảo sát hiện trường khu đất được san lấp bằng chôn rác thải ở Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: ĐINH CƯỜNG
Có thể xử lý hình sự pháp nhân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Hoài Nghĩa (Công ty Luật TNHH Châu Đại Dương) và LS Lê Trung Phát (Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng, cùng Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Điều 235 BLHS 2015 về tội gây ô nhiễm môi trường quy định rất rõ.
Theo đó, người nào chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kg trở lên; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép thì bị phạt tiền 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù 3-7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1-3 năm.
Cũng theo quy định khoản 2 Điều 75 BLHS 2015 thì “việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) của cá nhân”. Nghĩa là cả cá nhân lẫn pháp nhân đều có thể cùng bị truy cứu TNHS về tội phạm này.
Theo hai vị LS, từ thông tin trên báo, đài thì có thể khẳng định việc chôn, lấp, đổ, thải tại ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM là trái quy định. Bởi chủ đất chỉ xin san lấp mặt bằng bằng đất, cát, đá sỏi trong khi việc kiểm tra thực tế ghi nhận là dùng “chất thải” nghi là chất thải công nghiệp như nylon mảnh vụn, simili, bao bì giấy, nhựa...
Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả xét nghiệm, kết luận của Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và cơ quan có chức năng về thành phần, số lượng của chất thải để khẳng định chất bị chôn, lấp... có phải là chất thải nguy hại hay không. Do đó, cần phải chờ kết luận này thì mới có hướng xử lý như là xử phạt hành chính (theo Điều 23 Nghị định 155/2016 với mức phạt lên đến 1 tỉ đồng) hay truy cứu TNHS.
Đồng tình, LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) còn phân tích thêm: Trước đây, pháp nhân là các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hoặc buộc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật dân sự. Nhưng kể từ ngày BLHS 2015 có hiệu lực thì tại Điều 76 đã quy định 33 tội danh pháp nhân phải chịu TNHS, trong đó có tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 BLHS).
Cạnh đó, tòa án có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp tư pháp như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kg đến dưới 3.000 kg; g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kg đến 200.000 kg; h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; (Trích khoản 3 Điều 235 BLHS 2015 |