Rác thải da giày cần được xử lý an toàn

Đồng xử lý được Geocycle tiên phong áp dụng tại Việt Nam từ năm 2007

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chỉ trong tháng 2-2017, giá trị xuất khẩu giày dép, vali, túi xách là hơn 1 tỉ USD. Trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực Bắc Mỹ. Tuy nhiên cùng với số sản phẩm được sản xuất ra là lượng lớn rác thải từ da giày.  

Cần phương pháp xử lý phù hợp

Rác thải ngành da giày, túi xách thuộc loại khó phân hủy trong môi trường tự nhiên và cực kỳ độc hại nếu như không được xử lý đúng cách. Bên cạnh đó, việc chôn lấp hiện nay chưa thỏa mãn đầy đủ yêu cầu xử lý đặc biệt đối với loại rác thải trên khiến việc tìm kiếm một phương pháp xử lý phù hợp là điều tiên quyết đối với ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chất thải trong quá trình sản xuất giày dép chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp, chẳng hạn như các loại vật liệu sản xuất mũ, lót giày dép, cặp, túi ví, đế giày như da, vải, giả da, cao su, PU, PVC. Đánh giá chung mức tiêu hao tài nguyên của ngành còn cao do công nghệ và thiết bị lạc hậu. Vấn đề quản lý môi trường được các doanh nghiệp (DN) quan tâm nhưng chủ yếu vẫn để đối phó. Hiểu biết về môi trường của những người làm công tác quản lý và nhân viên trực tiếp sản xuất còn hạn chế. Nhiều DN gia công da giày tập trung giảm chi phí hoạt động nên ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Đồng xử lý – hướng tới không chôn lấp

Vì những vấn đề môi trường loài người đang phải đối mặt mà xử lý rác thải công nghiệp trở thành nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, không chôn lấp (Zero-landfill) dần trở thành xu hướng của đa số DN trên toàn thế giới.

Rác thải nguy hại được đồng xử lý trong lò nung xi măng tại Geocycle - đơn vị tiên phong xử lý chất thải nguy hại (nay là INSEE Ecocycle)

Nhiều người tự hỏi nếu chất thải không được chôn lấp, chúng sẽ đi về đâu, được xử lý thế nào? Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các công ty xi măng trên thế giới nhận thức rằng tận dụng điều kiện lý tưởng của lò nung xi măng để xử lý chất thải là lợi thế, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bởi thế, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng được xem là giải pháp chuẩn. Hiểu nôm na, các lò nung xi măng có nhiệt độ cao, lên đến 2000oC, tính ổn định nhiệt tốt nên tiêu hủy hoàn toàn hợp chất hữu cơ. Còn các hợp chất vô cơ sẽ kết hợp an toàn vào thành phần của clinker. Suốt quá trình xử lý, khí độc hại được hấp thụ trong môi trường kiềm của lò nung xi măng nên không gây phát sinh khí thải độc hại, không để lại tro, đem lại hiệu quả tối đa đối với các loại chất thải, nhất là chất thải độc hại từ ngành da giày.

Với phương pháp đồng xử lý chất thải, sự kết hợp giữa ngành công nghiệp xi măng và ngành sản xuất khác sẽ tạo chuyển biến tích cực nhằm bảo vệ môi trường. Đó là vừa có thể tận dụng nhiệt độ cực kỳ cao của lò nung xi măng để thiêu hủy triệt để các thành phần nguy hại, vừa giúp giải quyết vấn đề rác thải. Tại Việt Nam, năm 2011, Bộ TN&MT đã ban hành thông tư Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng. Điều này càng tạo động lực để các DN chuyển hướng xử lý chất thải, hội nhập vào phát triển, bởi lẽ kinh doanh phải gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường.

Hướng tới mục tiêu giảm chôn lấp chất thải, năm 2011, Bộ Môi trường Ba Lan đặt mục tiêu giảm lượng rác thải đô thị tại bãi chôn lấp bằng 50% của năm 2013, 35% vào năm 2020. Từ đó, Ba Lan đã khuyến khích các công ty hướng đến xử lý rác thải tại lò nung xi măng. Kết quả gần 20% chất thải rắn hiện tại được chuyển đổi phương pháp xử lý. Điều này giúp cho ngành công nghiệp xi măng Ba Lan trở thành nước đóng góp to lớn trong việc hướng đến mục tiêu giảm chất thải.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm