Chiều 27-5, trước tình trạng xây dựng trái phép rầm rộ ở khu vực suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải đích thân thị sát xử lý vụ việc.
Rầm rộ kinh doanh du lịch "lụi"
Theo đó, trong suốt một thời gian dài, dọc khu vực suối Lương xuất hiện một loạt cơ sở kinh doanh du lịch trái phép mọc lên san sát.
Ông Trương Việt (Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc) cho hay các cơ sở này phát sinh từ năm 2008-2014, trước khi kiểm lâm bàn giao đất rừng cho địa phương quản lý.
Hiện nay, có chín trường hợp xây dựng lán trại tạm thời hoạt động kinh doanh buôn bán tại khu vực suối Lương. Trong đó, có bốn cơ sở quy mô nhỏ, năm trường hợp xây dựng quy mô tương đối lớn.
Ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) kiểm tra việc hoạt động du lịch trái phép tại suối Lương. Ảnh: TÂM AN
Điều đáng nói, Khu du lịch Suối Lương có chủ là một doanh nghiệp lớn được TP giao đất từ năm 2003 đến nay nhưng vẫn chưa thu đồng nào.
“Các trường hợp dựng lều quán kinh doanh buôn bán tại khu vực suối Lương là buôn bán nhỏ, đa phần là dân gốc địa phương, thuộc diện giải tỏa các dự án. Bà con không còn đất nông nghiệp để sản xuất, không có công ăn việc làm sau giải tỏa nên đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn” - ông Việt cho hay.
Không hài lòng với cách nói khá vòng vèo của ông Việt. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng truy vấn: “Chính xác có bao nhiêu hộ làm du lịch này nằm trong diện giải tỏa?”.
Theo ông Trương Việt, có “khoảng 3, 4 hộ”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Đà Nẵng truy tiếp: “3 hay 4 hộ mà cũng không nắm được chính xác. Vậy đồng chí chủ tịch phường lâu lâu có vi hành đến đây không?”.
Để tồn tại quá lâu
Trước thắc mắc của ông Dũng, ông Trương Việt tỏ ra khá bối rối. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thiết (Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) cho biết ngay khi tình trạng này diễn ra, quận đã chỉ đạo địa phương yêu cầu các cơ sở kinh doanh này ký cam kết giữ an ninh trât tự, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn cho các cơ sở này về vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống đuối nước, tránh để xảy ra các tình trạng xấu nhất cho khách du lịch. Được biết, hiện nay đã có ba cơ sở đăng ký kinh doanh, các hộ khác sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
“Thực tế, khách chủ yếu là học sinh, sinh viên đến ăn uống, tắm suối một cách tự phát, giá bán đồ ăn uống cũng rất rẻ so với mặt bằng chung. Chúng tôi đảm bảo là các cơ sở này không hề bán vé mà chủ yếu phục vụ cho nhân dân nghỉ dưỡng. Hơn nữa, do hôm nay là cuối tuần nên mới đông người, còn các ngày thường nơi này vắng hoe” - ông Thiết nói.
Sau khi đi kiểm tra, đoàn công tác của TP Đà Nẵng đã có cuộc họp xử lý vụ việc. Ảnh: TÂM AN
Kết luận sau buổi kiểm tra, ông Đặng Việt Dũng cho rằng sau khi phát hiện sai phạm địa phương này xử lý quá lúng túng. “Phát hiện sai phạm, đáng lẽ địa phương phải có phương án xử lý ngay chứ đừng trông chờ vào TP” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời gian tới các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để tạm thời giữ nguyên hiện trạng đối với các trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực suối Lương. Đồng thời, tăng cường quản lý để đảm bảo không cơi nới, không phát sinh thêm bất cứ cơ sở nào kinh doanh trái phép tại đây.
“Ngoài ra, Sở Du lịch TP cũng cần rà soát lại toàn bộ xem trên địa bàn TP có bao nhiêu điểm du lịch tự phát. Xem khu vực nào có thể phát triển du lịch thì nên tạo điều kiện cho dân làm, chỗ nào không thể thì cần có phương án xử lý phù hợp. Chỗ nào có thể phát triển khu du lịch cũng cần phải được chuẩn hóa điều kiện du lịch về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự an ninh…” - ông Dũng nhấn mạnh.