Rạn nứt Biden - Netanyahu ngày càng lớn, có tác động chiến sự Gaza?

(PLO)- Xung đột Israel - Hamas kéo dài và liên tục xuất hiện thêm diễn biến phức tạp khiến rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu ngày càng lớn, liệu điều này có tác động đến chiến sự ở Dải Gaza?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas bước sang tháng thứ sáu trong bối cảnh số người thiệt mạng ở Dải Gaza đã vượt quá 31.000. Cuộc chiến dai dẳng và cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở Dải Gaza khiến rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bộc lộ ngày càng sâu sắc hơn.

Bất đồng hàng loạt vấn đề

Từ tháng 2, nhiều quan chức Mỹ đã nói với tờ The Washington Post rằng ông Biden - một người ủng hộ nhiệt thành Israel trở nên thất vọng với ông Netanyahu, song dường như không muốn công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Israel. Tuy nhiên, ông Biden đang dần có xu hướng chỉ trích ông Netanyahu khi vị lãnh đạo Israel bác bỏ các yêu cầu của Mỹ liên quan chiến sự ở Dải Gaza. Phần ông Netanyahu gần đây cũng tỏ ra kiên quyết hơn khi đáp trả các phát ngôn của ông Biden, theo tờ The Times of Israel.

Rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu thể hiện rõ ở sự khác biệt giữa quan điểm của hai nhà lãnh đạo về thỏa thuận ngừng bắn trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza, hoạt động quân sự của Israel, và giải pháp hai nhà nước.

Ảnh-bài-chính-P16-đăng-12-3-2024-Rạn-nứt-Biden---Netanyahu.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) chào đón khi đến Tel Aviv ngày 18-10-2023, 11 ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Ảnh: REUTERS

Trả lời phỏng vấn đài MSNBC hôm 9-3, ông Biden tiếp tục chỉ trích ông Netanyahu liên quan chiến lược của Israel khiến thương vong dân thường ở Dải Gaza ngày càng tăng. Ông Biden có quan điểm trái chiều với ông Netanyahu liên quan việc khả năng Israel tấn công TP Rafah (cực nam Dải Gaza, được coi là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi trú ẩn của 1,5 triệu người dân Palestine). Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu hôm 16-2, ông Biden khẳng định quan điểm rằng Israel không nên tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah nếu không có kế hoạch “đáng tin cậy và khả thi” nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường.

Trao đổi với đài MSNBC, ông Biden cho rằng ông Netanyahu “có quyền bảo vệ Israel, có quyền tiếp tục truy tìm Hamas nhưng phải quan tâm nhiều hơn đến những sinh mạng vô tội”, đồng thời gay gắt rằng “tôi muốn thấy một thỏa thuận ngừng bắn”. Sau thông tin Israel nã súng vào những người đang chờ viện trợ ở TP Gaza (phía Bắc Dải Gaza) khiến gần 900 người Palestine thương vong hôm 29-2, ông Biden đã cảnh báo rằng vụ việc làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán ngừng bắn, điều đang rất cấp thiết. Vị tổng thống Mỹ Biden còn cảnh báo rằng Israel có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ quốc tế khi kéo dài chiến dịch ở Dải Gaza.

“Những cân nhắc chính trị ngày càng phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Có thể quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ còn xa cách hơn nữa” - ông Eytan Gilboa, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Israel tại ĐH Bar-Ilan (Israel), nhận định về tình trạng rạn nứt trong quan hệ giữa hai ông Biden và Netanyahu.

Đáp trả phát ngôn từ ông Biden, ngày 10-3, ông Netanyahu nói rằng các chính sách hiện tại của ông đại diện cho đa số người Israel. Trước đó, ông Netanyahu cũng cho rằng đa số người Mỹ ủng hộ Israel tiếp tục chiến dịch cho đến khi chiến thắng. Vị thủ tướng Israel cũng khẳng định Israel sẽ tiếp tục tấn công Dải Gaza, bao gồm Rafah, bất chấp áp lực quốc tế ngày càng tăng và sẽ “chiến thắng hoàn toàn” Hamas trong vài tuần tới, theo hãng tin Reuters.

Rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu còn thể hiện ở lập trường giải pháp hai nhà nước. Ông Biden cho rằng việc thành lập một nhà nước Palestine là giải pháp lâu dài khả thi duy nhất cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông Netanyahu tuyên bố Israel không thỏa hiệp quyền kiểm soát an ninh đối với các khu vực phía tây sông Jordan, bao gồm Israel, Bờ Tây và Dải Gaza.

Liệu có tác động đến chiến sự ở Dải Gaza?

Có ý kiến cho rằng sự rạn nứt ngày càng tăng giữa lãnh đạo hai nước đồng minh Mỹ và Israel có thể sẽ có tác động đến tình hình chiến sự ở Dải Gaza. Song cũng có ý kiến cho rằng việc ông Biden có những phát ngôn trái chiều với ông Netanyahu gần đây không tác động gì nhiều tới cuộc xung đột, theo tờ The New York Times.

Nhiều nhân vật trong đội ngũ của ông Biden cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ cũng khá “dè dặt” khi phát ngôn chỉ trích ông Netanyahu. Và theo họ, thậm chí nếu có một sự thay đổi lớn trong lời nói của ông Biden thì cũng sẽ không có tác động mấy, trừ khi Washington bắt đầu áp đặt điều kiện đối với việc hỗ trợ Israel.

Người có cùng quan điểm này là cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes. Theo ông này, một khi ông Biden còn đang ủng hộ hoạt động quân sự của ông Netanyahu ở Dải Gaza vô điều kiện thì một số phát ngôn bất đồng, vài dấu hiệu rạn nứt, bất hòa không tạo ra điều gì khác biệt. Về cơ bản, nếu muốn có sự thay đổi trong hành động của Israel ở Dải Gaza thì ông Biden “phải quyết định không trao cho Israel kim bài miễn tử nữa”, theo ông Rhodes.•

Giải mã biểu hiện rạn nứt Biden - Netanyahu

Hãng tin AP cho rằng cả ông Biden và ông Netanyahu hiện đều bị hàng loạt yếu tố chính trị trong nước bủa vây, khiến các bước đi của hai nhà lãnh đạo có phần trái ngược nhau.

Ông Biden từ tháng 10-2023 đã chứng kiến sự ủng hộ sụt giảm trong các nhóm cử tri quan trọng như người Mỹ gốc Hồi giáo và gốc Ả Rập, những cử tri cấp tiến và cử tri trẻ, những người rất tức giận việc ông cho đến nay vẫn từ chối kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

Về ông Netanyahu, nhiều quan chức Mỹ cho rằng sở dĩ nhà lãnh đạo Israel công khai bác bỏ các yêu cầu của chính quyền ông Biden là do chịu áp lực từ trong nước. Người Israel vẫn ủng hộ rộng rãi nỗ lực truy lùng Hamas và không có sự khác biệt lớn giữa ông Netanyahu và các đối thủ chính trị của ông về cách tiến hành cuộc chiến, ngay cả trong bối cảnh đau khổ nhân đạo ở Dải Gaza.

Theo ông Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông đang làm việc tại Viện Carnegie Endowment vì hòa bình (Mỹ), ông Netanyahu sẽ “phải đối mặt với những hạn chế chính trị to lớn trong nước” một khi đồng ý với các điều kiện từ Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

“Trên thực tế, bên duy nhất có vẻ vội vàng là chính quyền ông Biden. Họ muốn thay đổi những hình ảnh thảm khốc ở Dải Gaza, từ đó giảm bớt áp lực chính trị trong nước. Vấn đề là theo kinh nghiệm của tôi, các cuộc đàm phán ở Trung Đông thường có hai xu hướng, đó là chỉ có chậm và chậm hơn” - ông Miller nói, ngụ ý rằng sự rạn nứt khiến tiến trình đạt được hòa bình cho cuộc xung đột này ngày càng khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm