Hôm 11-11, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo Tehran đã bắt đầu làm giàu uranium tại cơ sở dưới lòng đất Fordow và nâng mức làm giàu uranium lên tới 5% sau khi tiến hành hàng loạt bước rút dần cam kết theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Động thái này được cho là nhằm trả đũa việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran.
Được biết một trong các điều khoản thỏa thuận hạt nhân này cấm Iran đưa các nguyên liệu hạt nhân vào nhà máy Fordow. Với việc bơm khí uranium vào máy ly tâm, cơ sở này sẽ chuyển từ trạng thái là phòng thí nghiệm sang một khu hạt nhân thực sự.
Thỏa thuận hạt nhân - con bài mặc cả của Iran
Mặc dù Fordow nhỏ hơn một cơ sở khác là Natanz ở miền Trung, cũng như chỉ được lắp đặt những máy ly tâm thế hệ cũ, cấu trúc của Fordow được thiết kế để chống chịu được sức mạnh của bom xuyên phá. Đây chính là lý do tại sao JCPOA cấm Iran làm giàu uranium ở cơ sở này chứ không phải Natanz, tờ The Hill cho biết.
IAEA cũng khẳng định lượng uranium làm giàu của Iran tiếp tục tăng lên đến 372,3 kg, lớn hơn nhiều so với mức trần 202,8 kg quy định trong thỏa thuận. Tuy vậy, nồng độ uranium đạt 4,5%, cao hơn mức trần 3,67% quy định trong thỏa thuận nhưng còn kém xa mức đỉnh 20% từng đạt được và Iran sẽ cần nâng lên 90% nếu muốn chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hãng tin Reuters còn tiết lộ Iran nhiều khả năng đang triển khai thêm nhiều loại máy ly tâm hiện đại hơn, có thể làm giàu uranium nhanh gấp 50 lần phiên bản IR-1 lỗi thời, hay hỏng hóc được quy định trong thỏa thuận.
Cũng trong ngày 11-11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ JCPOA để được Liên Hiệp Quốc gỡ bỏ cấm vận vũ khí vào năm 2020. “Iran nhiều năm nay đã bị Liên Hiệp Quốc cấm mua vũ khí dựa trên thỏa thuận hạt nhân. Nếu chúng tôi tiếp tục tuân thủ thỏa thuận đến năm 2020, lệnh cấm này sẽ được gỡ bỏ” - ông Rouhani phát biểu.
Chính sách cứng rắn với Iran của Tổng thống Donald Trump hiện đã bộc lộ những điểm yếu của nó. Ảnh: THE DAILY BEAST
Trước đó Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi xác nhận nước này đang giảm dần việc thực thi các nghĩa vụ ấn định trong JCPOA dựa vào điều khoản 26 và 36 trong thỏa thuận này. Ông Araghchi quả quyết động thái này là nhằm cứu vãn thay vì làm thỏa thuận sụp đổ hoàn toàn.
Được biết điều khoản 26 và 36 ghi rõ: Nếu các bên tham gia không có biện pháp tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt nội dung thỏa thuận, Iran sẽ buộc giới hạn việc thực thi cam kết của mình cứ mỗi 60 ngày.
Tehran hiện đang có toàn khả năng để khắc phục căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Iran. Chính quyền đã rất rõ ràng về các điều kiện. Họ đã khuyến khích các cuộc đàm phán nhưng có những điều kiện nhất định phải được đáp ứng. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ FRANK FANNON |
Mỹ yếu thế, đồng minh lãnh đạn
Theo một cựu quan chức Mỹ giấu tên, Washington đã có thể đạt được với Iran một thỏa thuận mà có thể đảm bảo lợi ích của Tehran nhưng việc không thành do Tehran khó đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và chịu lép vế hơn Mỹ, hãng tin CNBC đưa tin.
Một số nhà phân tích còn cho rằng chính đường lối ngoại giao cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất lợi cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các chính sách gây áp lực đã cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Iran. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Frank Fannon nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đã xóa sổ 2 triệu thùng dầu của Iran trên thị trường mỗi ngày. Lạm phát ở Iran hiện ở mức khoảng 50% GDP và tỉ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn dự đoán nền kinh tế của Iran sẽ suy giảm tới 9,5% trong năm nay.
Trong khi đó, đồng minh của Mỹ là Israel đang có nguy cơ phải đối mặt với nguy cơ xung đột với Iran ngày càng gia tăng khi Mỹ tỏ ra yếu thế ở Trung Đông, tờ Daily Express cho hay. Cựu giám đốc tổ chức tình báo Israel Mossad, ông Haim Tomer, trả lời tạp chí The Strategist rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đã thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông về phía có lợi cho Nga và Iran, vốn là một đồng minh khu vực thân cận của Moscow. Ông Tomer cảnh báo Israel sẽ dễ trở thành mục tiêu của hai nước này nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại.
“Thế giới đã chứng kiến một số thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Israel nên cân nhắc kỹ về vai trò của Mỹ trong các cuộc xung đột và đối đầu trong tương lai ở khu vực này” - ông Tomer nhận định.
Iran lách lệnh trừng phạt của Mỹ như thế nào? Trang tin Real Clear World tiết lộ Iran hiện đang áp dụng nhiều biện pháp để né các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo của Mỹ. Nước cộng hòa Hồi giáo này đã duy trì xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, thậm chí sang Syria và Ấn Độ thông qua nhiều cơ chế thương mại và vận tải né quy định của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ăn với Iran trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và vận tải. Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hồi tháng 8-2019, hai nước đã nhất trí cập nhật và triển khai chương trình đầu tư của Trung Quốc trong 25 năm, trị giá 400 tỉ USD được ký kết hồi năm 2016. Đáng chú ý, Anh cũng lách lệnh trừng phạt Mỹ vào tháng 10 để thực hiện khoản thanh toán trị giá 1,54 tỉ USD với một ngân hàng quốc doanh Iran. |