Rào đường, Thi hành án không chịu dỡ

“Tôi được tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông hàng xóm phải tháo dỡ hàng rào để mở lối đi cho tôi. Ông này dỡ rồi nhưng sau đó rào lại. Tôi hỏi cơ quan thi hành án (THA) thì nơi đây bảo đã thi hành xong, trách nhiệm giờ không thuộc THA nữa. Tôi rối quá, không biết phải làm sao…” - bà Nguyễn Thị Điệp (ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) phản ánh.

Rào, dỡ rồi… rào lại

Chúng tôi đã đến nhà bà Điệp để tìm hiểu vụ việc. Để vào được nhà, chúng tôi phải đi qua bờ ruộng mà bà Điệp đang tạm đi nhờ của người khác. Mặc dù đã cài số một nhưng chúng tôi cũng phải toát mồ hôi mới đẩy bộ được xe qua bờ ruộng này, dưới lớp cỏ um tùm, cọc nằm rải rác khắp nơi. Trong căn nhà ọp ẹp, bà Điệp bảo: “Những hôm trời mưa lớn, muốn vào nhà tôi là cả một cực hình. Bờ ruộng trơn trượt, vắt bám lên người cắn khắp nơi”.

Bà Điệp kể thêm nhà này là của cha mẹ bà để lại. Trước kia bà đi ra ngoài đường lộ bằng con đường chung, đoạn ngang qua nhà ông hàng xóm. Khi ấy xe bò kéo lúa vẫn đi bình thường. Năm 2012, ông hàng xóm cắm trụ xi măng, giăng lưới làm hàng rào kiên cố không cho bà đi nữa.

Hằng ngày bà Điệp vẫn phải đi nhờ qua bờ ruộng của những hộ dân khác. Ảnh: NN

“Vụ việc được đưa ra xã hòa giải nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. Đến giữa năm 2014, tôi kiện ra TAND huyện Củ Chi buộc ông hàng xóm mở lối đi chung. Sau khi thụ lý, tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông này phải tháo dỡ hàng rào. Tiếp đó, Chi cục THA dân sự huyện thi hành quyết định. Lúc này, ông hàng xóm tự nguyện tháo dỡ. Tuy nhiên, nửa tháng sau ông rào lại. Nhà tôi có người dì gần 70 tuổi, mỗi lần đi lại vô cùng cực khổ” - bà Điệp than thở.

Vẫn phải buộc dỡ hàng rào

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Củ Chi, nói: “Chúng tôi đã thực hiện xong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa cũng không hề nói chúng tôi phải bàn giao trách nhiệm cho địa phương. Giờ chỉ chờ tòa xử thôi. Nếu có bản án rồi mà ông hàng xóm của bà Điệp cứ tái diễn việc rào lại thì chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý ngay. Còn giờ thì bế tắc rồi”.

Về phần địa phương, ông Huỳnh Văn Nị, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, mong muốn các cơ quan nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ án cho người dân. Giờ địa phương cũng không thể giải quyết vụ ông hàng xóm bà Điệp tiếp tục rào lại đường đi vì cơ quan THA không giao cho địa phương. Nếu bà Điệp có gửi đơn đến thì địa phương cũng chỉ có thể hòa giải mà thôi.

Chúng tôi đến tòa án phản ánh vụ việc thì nơi đây cho biết: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn còn hiệu lực, THA huyện tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền. Vừa qua, tòa đã xuống hiện trường để thu thập chứng cứ, tuy nhiên ông hàng xóm bà Điệp ngăn cản. Tòa sẽ tiếp tục mời hai bên lên làm việc.

THA nói xong là chưa đúng!

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án có hiệu lực cho đến khi có quyết định hủy bỏ hoặc khi có bản án của tòa giải quyết vụ án trong đó có nêu hủy bỏ quyết định này. Tòa không thể ra tiếp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung tương tự như quyết định đang có hiệu lực pháp luật. Do đó, cơ quan THA cho rằng mình đã làm xong nhiệm vụ là không đúng. Khi ông hàng xóm của bà Điệp tái dựng lại hàng rào, cơ quan THA cần mời ông lên giải thích là quyết định của tòa án vẫn còn hiệu lực, ông tiếp tục rào lại là vi phạm. Nếu ông vẫn rào chắn, cơ quan THA phải cưỡng chế buộc tháo dỡ.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới