Rất đáng suy nghĩ khi phụ huynh phải bốc thăm giành suất cho con vào trường công

(PLO)-  Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường công là một điều rất đáng suy nghĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học ở trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đã tạo nên làn sóng dư luận trong những ngày qua.

Tốc độ phát triển dân số quá nhanh đã khiến cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống trường học công ở một số địa bàn của TP Hà Nội chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại tầm nhìn của sự quy hoạch đô thị hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ.

Ứng xử bất thường!

Trong khi đó, Điều 37.1 trong Hiến pháp 2013 nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.

Bên cạnh đó, Luật giáo dục 2019 cũng nêu Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi…

Nhìn một cách khách quan, việc cho phụ huynh bốc thăm chẳng khác nào một trò chơi may rủi, đã vô tình động tới quyền lợi, lợi ích của nhiều trẻ nhỏ được bảo hộ theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường mầm non công lập khiến nhiều người ví như trò chơi may rủi. Ảnh CTV

Việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường mầm non công lập khiến nhiều người ví như trò chơi may rủi. Ảnh CTV

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là một “ứng xử” bất thường.

Bởi, cách đây vài năm những trẻ này đã ra đời, chính quyền địa phương phải nắm bắt được vấn đề trên. Khi đã biết, thì cần có phương án xử lý trước đó, không thể để đến bây giờ “bày trò” ra chuyện bốc thăm, người được người không như vậy.

Trong số những phụ huynh ấy có những gia đình hoàn cảnh, nhưng có thể lại không bốc được lá phiếu trúng tuyển của nhà trường, điều này là rất thiệt thòi đối với họ và đặc biệt là với trẻ nhỏ.

“Ở đây, trước hết về chính quyền và những người quản lý về mặt giáo dục đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu như chúng ta đưa ra giải pháp từ mấy năm trước thì hôm nay đã không xảy ra vấn đề này…”- ông Nhĩ nói.

Từ đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đưa ra ý kiến, trong trường hợp trường công không đủ, phải khuyến khích mở thêm trường tư, có thể có chính sách trợ cấp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn học trường tư.

Về mặt lâu dài, nhà nước phải có tính toán cụ thể, không để xảy ra hiện tượng tương tự như hiện nay.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc trẻ phải bốc thăm vào trường mầm non là tình huống hạn hữu, chưa từng có trong tiền lệ.

"Phường Hoàng Liệt là nơi có dân cư đông bậc nhất Hà Nội. Số dân đông, chính quyền có thể nắm được nhưng chưa có phương pháp giải quyết.

Việc này ngoài tầm với của phường, nó phải ở tầm quận, thành phố mới giải quyết được. Tuy nhiên, khả năng giải quyết việc này chưa ổn, làm cho dân khổ.

Nếu số trẻ tăng mạnh, nằm ngoài khả năng giải quyết thì phải báo động lên các cấp để có phương án chuẩn bị.

Để tranh suất vào trường mầm non mà bốc thăm như thế thì khổ quá. Tôi tin với tầm cỡ của thành phố Hà Nội sẽ tìm ra được giải pháp giải quyết cho dân" – ông Lâm nói.

Quy hoạch đô thị chưa ổn định

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện chưa có tính ổn định.

Mặc dù có thể quy hoạch đúng, nhưng quá trình thực hiện hay điều chỉnh liên tục. Điều này dẫn đến không đồng bộ giữa số lượng dân cư với cơ sở hạ tầng.

“Quyền lợi của trẻ là được đi học mà phải bốc thăm, chính sách vĩ mô thì có, nhưng lại chưa thực hiện được. Trách nhiệm ở đây là ở chính quyền khi đã không phát triển hệ thống giáo dục công tốt, dẫn đến thiếu chỗ học cho trẻ.

Do đó, không nên điều chỉnh quy hoạch nữa, chỉ điều chỉnh với những lý do hợp lý, còn lại cần thực hiện quy hoạch đầy đủ và toàn diện.

Không chỉ để ý đến thị trường bất động sản, mà phải để ý đến cả các hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường kèm theo…”- ông Đặng Hùng Võ nói.

Còn ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ quan điểm, hiện nay trường công ở Hà Nội đang rất thiếu, đây là hệ quả của việc khi quy hoạch không tính hết được sự phát triển dân số để bố trí trường công.

Theo ông Tùng, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường công là một điều rất đáng suy nghĩ.

“Chúng ta phát triển rất nhanh về bất động sản để lấy kinh tế… những cái đó mới đảm bảo chỉ tiêu GDP của thành phố, còn đầu tư cho giáo dục lại không ra tiền.

Đây là tư duy cũ, hiện giờ cần đổi mới theo Nghị quyết 13 của Đảng, tức là lấy văn hóa làm động lực để phát triển kinh tế, mà giáo dục là một phần rất quan trọng của văn hóa. Do vậy, khi làm quy hoạch phải tính toán cho hợp lý"- ông Tùng nói.

Được biết, trước đó UBND TP Hà Nội đã giao 517.143m2 đất tại phường Hoàng Liệt cho đơn vị đầu tư để xây dựng trường học. Tuy nhiên, việc xây dựng chưa được tiến hành do nhiều lý do khách quan, khiến cho tình trạng thiếu trường đang diễn ra trầm trọng tại địa bàn phường Hoàng Liệt.

Trong buổi tiếp xúc với các phụ huynh mới đây, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho hay, quận vừa đầu tư xây mới trường Mầm non Hoàng Liệt, nhưng với tốc độ dân số tăng nhanh, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương.

Còn theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai thông tin, hàng năm UBND quận đầu tư trên 50% kinh phí cho xây trường. Hai năm gần đây, khối mầm non Hoàng Liệt đã xây dựng thêm hai cơ sở nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng thêm hai trường mầm non nữa để có thể tháo gỡ khó khăn như hiện nay.

Cuối tháng 7, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể tuyển 559 trẻ từ 3-5 tuổi.

Để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, trường sẽ tuyển toàn bộ 226 trẻ trong độ tuổi này. Còn ở nhóm trẻ 3-4 tuổi, trường Hoàng Liệt chỉ có khả năng đáp ứng 333/713 trẻ đăng ký. Như vậy, số lượng vượt quá chỉ tiêu là 380.

Đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, Hoàng Liệt là đơn vị phường có dân số lớn nhất Hà Nội với hơn 80.000 dân và có tốc độ tăng dân số nhanh.

Đến tháng 7-2022, phường có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non, trong đó 6.611 trẻ 2-5 tuổi.

Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập với bốn cơ sở, ngoài ra trên địa bàn phường có 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 nhóm lớp độc lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm