Ngày 31-10, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố với chuyên đề: “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực ngân hàng, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng”.
Doanh nghiệp 'mơ' về lãi suất cho vay thấp
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu đối với nền kinh tế, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Đây là lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế. Do đó việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không chỉ là VND mà còn là vốn vay bằng ngoại tệ, có rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng luôn chủ động cung ứng các dịch vụ thanh toán quốc tế đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Trên địa bàn thành phố, hiện nay đang có hai chính sách lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ nhất là lĩnh vực xuất khẩu nằm trong 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là 5 lĩnh vực được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm.
“Với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay không quá 4%/năm. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng. Riêng trên địa bàn thành phố. Tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VND đối với doanh nghiệp xuất khẩu đạt 105.305 tỉ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây Dựng và Dịch vụ Hải Hưng cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi chuyên sản xuất các thiết bị vệ sinh thông minh. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh nên khi nghe thấy chính sách cho vay với doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có 4%/năm thì quá mừng.
Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận mức lãi suất cho vay ưu đãi này vô cùng khó khăn. Vậy đề nghị lãnh đạo NHNN chi nhánh TP chỉ rõ các điều kiện để chúng tôi có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi".
Trả lời doanh nghiệp, ông Lệnh nói: Đây là chính sách đã được luật hóa. Ngoài các điều kiện về tín dụng nói chung thì những doanh nghiệp trong 5 nhóm ngành ưu tiên được vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất 4%/năm cần phải đảm bảo yêu cầu về lành mạnh về mặt tài chính. Việc đưa ra các điều kiện cho vay như vậy không phải nhằm gây khó dễ cho doanh nghiệp mà nhằm đưa dòng vốn đến đúng đối tượng, quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích.
Trong trường hợp khách hàng đã đáp ứng đầy đủ 100% các điều kiện để được vay với lãi suất ưu đãi 4%/năm mà ngân hàng thương mại cố tình từ chối thì doanh nghiệp chủ động liên hệ với NHNN chi nhánh TP để được trao đổi và tháo gỡ. Thực tế là NHNN chi nhánh TP.HCM đã trực tiếp hỗ trợ xử lý hàng ngàn trường hợp gặp khó khăn phát sinh trong quá trình thực thi chính sách.
Ông Nguyễn Đức Lệnh- Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM
Hiện vay bằng VND có lợi hơn
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chia sẻ: Trước dịch, chúng tôi được vay ngắn hạn bằng USD với lãi suất 4%/năm, nhưng sau dịch lãi suất cho vay bằng ngoại tệ bật lên 6%/năm. Trong khi chi phí đầu vào tăng, đồng Yên Nhật lại liên tục mất giá, điều này khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, tôi mong rằng, các ngân hàng thương mại cần có chính sách đối ứng nhanh, linh hoạt để tiếp sức đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình giữ vững thị phần của mình ở từng thị trường xuất khẩu.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM giải thích: Đối với doanh nghiệp có rất nhiều ưu đãi, trong đó họ có quyền chủ động lựa chọn vay vốn bằng VND hay bằng USD… Do đó, doanh nghiệp cần tính toán xem nên vay bằng VND hay vay bằng ngoại tệ sẽ có lợi hơn. Hiện lãi suất cho vay bằng VND đang rất thấp thì doanh nghiệp nên vay bằng VND để phục vụ cho việc mua nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu, sẽ có lợi hơn.
"Còn đối với vấn đề tỉ giá thì NHNN luôn điều hành chính sách tỉ giá sao cho hợp lý nhất để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối và thực hiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chứ NHNN không thể điều hành tỉ giá theo kiểu một chiều tức là chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hay chỉ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu được”, ông Lệnh nói.
Doanh nghiệp đột ngột đối mặt với khó khăn mới
Ở một góc nhìn khác, dù không liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, song ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu lên khó khăn vô cùng lớn mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải.
Trong hai năm trở lại đây, không chỉ ở Việt Nam mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với tình hình suy giảm về tiêu dùng. Điều này khiến lượng hàng sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho gia tăng và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị sụt giảm đơn hàng một cách trầm trọng.
Vài tháng gần đây, tình hình đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tích cực hơn trong một số ngành như dệt may, chế biến gỗ, một số sản phẩm nông nghiệp… Do đó, nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng để phục vụ sản xuất trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu kiếm được đơn hàng mới nhưng không dám tăng giá, thậm chí phải giảm giá để cạnh tranh. Và điều này sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm và vẫn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn cũ chưa qua thì hiện nay các doanh nghiệp lại phải đối mặt với khó khăn mới phát sinh đó là tăng giá đất và tăng giá thuê đất.
"Một mặt, tăng giá đất sẽ có lợi doanh nghiệp đang có tài sản thế chấp. Nhưng với những doanh nghiệp đang phải thuê đất thì lại chịu ảnh hưởng vô cùng lớn. Bởi kiếm được đơn hàng đã khó, hàng hóa khi bán cũng không đem lại lợi nhuận cao, nhưng giờ đây giá thuê đất lại tăng mạnh một cách bất ngờ. Do đó, điều này sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh “khó khăn kép” và sẽ không dám vay vốn để sản xuất kinh doanh nữa", ông Tuệ phân tích.
Bên cạnh nội dung đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank Chi nhánh TP.HCM và 20 doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn thành phố. Sự hợp tác nhằm tạo sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu, cải tiến công nghệ và đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024.