Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Cụ thể nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh của ngân hàng.
Nhà đầu tư cá nhân không có nhiều cơ hội trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, điều này giúp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, nền kinh tế có một kênh dẫn vốn quan trọng. Không thể phủ nhận vai trò của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên cửa cho nhà đầu tư trái phiếu cá nhân dường như cũng còn khá hẹp.
Một thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy ở thời điểm sôi động nhất trong năm 2021, nhà đầu tư cá nhân là nhóm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trên thị trường này, với tỷ trọng 41%. Đến tháng 6-2024, tỷ trọng này chỉ còn lại 24%.
Cũng theo VBMA, từ đầu năm đến ngày 30-9, đã có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỉ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỉ đồng từ đầu năm. Giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng chưa đến 10% trong tổng giá trị các đợt phát hành.
Trong đó, nổi bật nhất, chỉ riêng đợt phát hành của Agribank đã huy động tới 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu chào bán ra công chúng.
Số liệu của năm 2023 cũng cho thấy nhà đầu tư trái phiếu cá nhân cũng không có quá nhiều cơ hội. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận là 311.240 tỉ đồng, nhưng chỉ có 29 đợt phát hành ra công chúng, huy động 37.071 tỉ đồng (tương đương khoảng 11,9% tổng giá trị phát hành).
Không ít chuyên gia cho rằng, cần có thêm những cơ hội để nhà đầu tư trái phiếu cá nhân tham gia vào thị trường.
Theo ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm Phân tích (Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating), việc có thêm nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường trái phiếu là rất cần thiết, bởi sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường.
"So với nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tập trung vào mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn, thì các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, chấp nhận đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn trước những biến động ngắn hạn", ông Lương nhấn mạnh.
Thế nhưng thực tế thị trường trái phiếu đang có một “khoảng trống” lớn. Tính đến cuối tháng 6, việc các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đang để lại khoảng trống cho thị trường. Vì vậy việc mở thêm cửa cho nhà đầu tư trái phiếu cá nhân tham gia vào thị trường sẽ giúp bù đắp cho khoảng trống này.
Một chuyên gia thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đã nói đến việc cần có thêm sự tham gia của nhà đầu tư trái phiếu cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo phân tích của VCCI, các tổ chức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… đang vướng nhiều hạn chế về quy định đầu tư trái phiếu.
Nếu thiếu đi sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp khó có thể phát hành thêm vì không có đủ nhà đầu tư trên thị trường để hấp thụ lượng trái phiếu phát hành ra. Cùng với đó, xét riêng ở nhóm trái phiếu riêng lẻ có mục đích cơ cấu nợ, nhà đầu tư cá nhân đang là nhóm nhà đầu tư gần như duy nhất.
Làm sao bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu cá nhân?
Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp gây thiệt hại tài chính lớn đến hàng chục nghìn nhà đầu tư cá nhân, vấn đề vai trò của kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, nhấn mạnh đến vai trò của kiểm toán độc lập trong việc "vén màn" sự minh bạch tài chính của doanh nghiệp trước và sau khi phát hành trái phiếu, đặc biệt theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Ông cho rằng kiểm toán không chỉ đơn thuần là công cụ kiểm tra tài chính trước khi phát hành, mà giờ đây còn phải kiểm tra cả cách sử dụng vốn trái phiếu sau khi phát hành, việc này là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, mặc dù không phải là yêu cầu bắt buộc trên thị trường quốc tế.
Phía cơ quan quản lý cũng đã có những động thái rất quyết liệt nhằm hướng đến bảo vệ cho nhà đầu tư trái phiếu cá nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đó phải có xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đó phải có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Đề xuất này là để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức cùng tham gia trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đồng thời đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn.
Để thị trường thích ứng với các chính sách mới, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho phép Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2026.