Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM, Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM lần 9 năm 2016. Chương trình bắt đầu lúc 7 giờ sáng Chủ nhật 10-4 tại Cung Văn hóa lao động, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM.
Thu gom chất thải đổi lấy quà
Với chủ đề Sản xuất và tiêu dùng bền vững, ngày hội góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có các hoạt động dành cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn TP nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, hướng tới xã hội sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ngày hội sẽ thu gom các loại chất thải hộ gia đình
Ngoài sự kiện chính, trước đó, Sở liên tục tổ chức nhiều hoạt động hướng tới ngày hội. Điển hình là hội thảo Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới tăng trưởng xanh diễn ra ngày 30-3 vừa qua. Chương trình có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cùng đại diện cơ quan, ban, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp. Mục đích giới thiệu, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP. Song song đó, hội thảo lắng nghe ý kiến đại biểu để đóng góp hoạt động sản xuất, tiêu dùng tại TP ngày càng bền vững hơn.
Liên tục tuyên truyền
Tại hội thảo, PGS-TS Lê Văn Khoa, ĐH Bách khoa TP.HCM, đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về hiện trạng sản xuất, tiêu dùng bền vững tại TP.HCM. Theo đó, các doanh nghiệp hiện nay ngày càng chú trọng vào sản xuất bền vững, còn cộng đồng dân cư càng chú ý hơn trong việc tiêu dùng sản phẩm xanh. Chẳng hạn như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, chạy bằng khí nén CNG; sử dụng bao bì, túi mua hàng thân thiện môi trường…
Để tạo nên làn sóng hướng đến tiêu dùng bền vững, TP đã tuyên truyền, phát động nhiều chương trình hành động. Trong đó có ba chương trình nổi bật là Ngày hội tái chế chất thải, Tháng hành động không sử dụng túi nylon và Chiến dịch tiêu dùng xanh. Nhìn chung, cả ba hoạt động này đều thu hút sự chú ý của cộng đồng nhờ những ưu điểm về tính đa dạng, tính mới của các hoạt động; phù hợp xu thế quản lý môi trường bền vững; đáp ứng quyền lợi của các thành phần cộng đồng…
PGS-TS Khoa chia sẻ thêm mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hành vi tiêu dùng của người dân nhưng TP vẫn đứng trước nhiều thách thức như công nghệ lạc hậu, thể chế còn nhiều bất cập... Vì vậy, chúng ta càng phải phấn đấu toàn diện và bền bỉ để hội đủ điều kiện hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.