Rộ chuyện đòi bồi thường tổn thất Thế chiến thứ 2

(PLO)- Thời gian gần đây, câu chuyện bồi thường tổn thất cho các nước bị tàn phá bởi Chiến tranh Thế giới thứ 2 đang nóng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã đi qua gần 80 năm, nhưng những câu chuyện xoay quanh cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Gần đây, nhiều quốc gia là nạn nhân của Thế chiến 2 đã lên tiếng yêu cầu các nước tham chiến bồi thường thiệt hại.

Ba Lan

Ngày 14-9, Hạ viện Ba Lan thông qua nghị quyết yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại Thế chiến 2 mà Đức gây ra ở Ba Lan. Nghị quyết cũng đề cập việc Ba Lan “vẫn chưa nhận được khoản bồi thường tài chính thích hợp” cho những tổn thất mà Warsaw tin là do Liên Xô gây ra trong cuộc chiến này, theo hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP.

Một người lính Ba Lan cầm vòng hoa khi tham dự buổi lễ kỷ niệm Thế chiến 2 ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) ngày 1-9. Ảnh: EURONEWS

Một người lính Ba Lan cầm vòng hoa khi tham dự buổi lễ kỷ niệm Thế chiến 2 ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) ngày 1-9. Ảnh: EURONEWS

Tổng thống Ba Lan - ông Andrzej Duda đã ủng hộ những yêu cầu bồi thường trên. Trong một cuộc họp báo ngày 15-9, ông nói: “Nếu ai đó nói rằng chúng tôi đang gây ra xung đột không cần thiết bằng cách đòi bồi thường, họ nên hỏi người Đức tại sao lại bắt đầu cuộc chiến vào năm 1939” “Ba Lan xứng đáng được nhận đền bù, và tôi tin rằng người Đức cũng nhận thức được điều đó”.

Về yêu cầu Nga bồi thường, Tổng thống Ba Lan cho biết: “Đức bắt đầu Thế chiến 2 và tấn công Ba Lan. Tất nhiên, Nga sau đó cũng tham chiến và vì vậy theo quan điểm của tôi, chúng ta cũng nên yêu cầu Nga bồi thường”.

Ngày 3-10, Ngoại trưởng Ba Lan - ông Zbigniew Rau đã ký một công hàm chính thức gửi Đức yêu cầu bồi thường 1.320 tỉ USD thiệt hại mà Đức Quốc xã gây ra ở Ba Lan trong giai đoạn 1939-1945. Số tiền bồi thường liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật đã bị đánh cắp và tiền gửi ngân hàng.

Ba Lan đến nay vẫn khẳng định rằng việc nước này từ bỏ mọi yêu sách bồi thường chiến tranh vào năm 1953 là do những áp lực từ Liên Xô và cho rằng thỏa thuận từ bỏ đó không hợp lệ.

Trước đề nghị của Ba Lan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4-10 cho biết vấn đề bồi thường Thế chiến 2 cho Ba Lan đã giải quyết xong. Bà nói: “Tôi biết rằng chủ đề này khiến nhiều người Ba Lan quan tâm. Đức cảm thấy có trách nhiệm, nhưng theo quan điểm của chính phủ Đức thì vấn đề bồi thường hậu quả chiến tranh là đã khép lại”, theo đài RT.

Về phía Nga, ngày 6-10, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Âu thứ 3 của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Tyapkin cho biết việc Ba Lan yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại Thế chiến 2 nằm trong phạm vi của “những tưởng tượng chính trị”.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova đã gọi các yêu cầu bồi thường này là “khiếm nhã” vì Liên Xô đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để tái thiết các nước Đông Âu, trong đó có Ba Lan, trong thời hậu chiến.

Hy Lạp

Tương tự Ba Lan, Hy Lạp gần đây cũng nhắc lại các yêu cầu bồi thường tổn thất chiến tranh mà Đức gây ra ở quốc gia này.

Ngày 5-10, trong cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp - ông Nikos Dendias nói rằng yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại Thế chiến 1 và 2 cho Hy Lạp “vẫn còn để ngỏ”, theo tờ Greek City Times.

Ngôi làng Distomo ở Hy Lạp - nơi diễn ra một vụ thảm sát của Đức Quốc xã năm 1944. Ảnh: AP

Ngôi làng Distomo ở Hy Lạp - nơi diễn ra một vụ thảm sát của Đức Quốc xã năm 1944. Ảnh: AP

Trước đó, vào ngày 4-6-2019, Đại sứ Hy Lạp đã trao công hàm cho Bộ Ngoại giao Đức, trong đó Athens kêu gọi Berlin đàm phán để giải quyết vấn đề bồi thường hậu quả hai cuộc chiến tranh.

Vào tháng 4-2019, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một nghị quyết yêu cầu phía Đức bồi thường khoảng 500 tỉ euro, bao gồm: 309,5 tỉ euro cho Thế chiến 2 và 9,2 tỉ euro cho Thế chiến 1 và 107,2 tỉ euro cho dân thường thương vong trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, Berlin đã từ chối yêu cầu của phía Hy Lạp. Đức cho biết đã hoàn thành mọi nghĩa vụ bằng việc bồi thường 115 triệu mark (gần 60 triệu USD) vào năm 1960.

Đức cũng nói thêm rằng các vấn đề đã được giải quyết bằng “Hiệp ước 2+4” năm 1990 được ký giữa Đông Đức, Tây Đức, Pháp, Mỹ, Anh và Liên Xô.

Hy Lạp và Ba Lan không đồng ý với Hiệp ước này với lý do họ không được tham gia đàm phán hiệp ước.

Hàn Quốc

Trong khi đó ở châu Á, vấn đề bồi thường lao động thời chiến đã khiến quan hệ Nhật - Hàn xấu đi trong thời gian qua.

Mâu thuẫn bắt đầu từ việc năm 2018 một tòa án ở Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật là Nippon Steel Corp. và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phải bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ 1910 đến hết Thế chiến 2, theo đài NHK.

Một nạn nhân của lao động cưỡng bức tại Tòa án Tối cao ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 29-11-2018. Ảnh: AP

Một nạn nhân của lao động cưỡng bức tại Tòa án Tối cao ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 29-11-2018. Ảnh: AP

Chính phủ Nhật cho rằng tất cả các yêu cầu bồi thường đã được giải quyết “hoàn toàn và triệt để” theo một thỏa thuận song phương ký năm 1965. Theo đó, Hàn Quốc nhận 300 triệu USD viện trợ kinh tế, 500 triệu USD qua các khoản vay không hoàn lại. Tuy nhiên, các nạn nhân chiến tranh đã khởi kiện hiệp định này và cho rằng chính phủ đã quyết định mà không thông qua ý kiến họ.

Hai công ty trên không tuân thủ yêu cầu bồi thường nên tòa án đã ra phán quyết thanh lý tài sản ở Hàn Quốc của các công ty này để bồi thường cho nạn nhân. Vì thế các công ty Nhật bắt đầu kháng cáo lên Tòa án tối cao Hàn Quốc.

Tokyo đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết thanh lý tài sản của hai công ty trên.

Hiện Tòa án Tối cao Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm