Gần đây, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ giả danh công an để cướp, lừa đảo gây hoang mang dư luận. Công an TP Biên Hòa cảnh báo để người dân nhận biết công an giả cùng những biện pháp phòng ngừa.
Theo Đại tá Trần Tiến Đạt, Trưởng Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), cơ quan này vừa khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Cường (ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa) và Đinh Văn Thơi (quê tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về tội cướp tài sản.
Tối 19-7, tổ tuần tra Công an xã Phước Tân, TP Biên Hòa thấy trên đường Võ Nguyên Giáp (xã Phước Tân) một cảnh sát mang cấp hàm binh nhất cùng một thanh niên kiểm tra giấy tờ một người dân đi xe máy. Thấy nghi, Công an xã Phước Tân mời về làm việc.
Tại cơ quan công an, Cường khai nhận giả công an kiểm tra người đi đường để tìm cơ hội chiếm đoạt tiền, xe máy. Thơi đi cùng để giúp thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Khi đang chặn chiếc xe chạy ngược chiều thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Công an thu giữ của Cường bộ quân phục, còng số 8, dùi cui điện, bình xịt hơi cay và một đèn pin mà lực lượng công an hay dùng.
Phạm Văn Cường giả danh công an bị bắt giữ. Ảnh: TD
Ngoài vụ việc nêu trên, Cường còn khai nhận bằng cách chặn xe người vi phạm, tối 12-7 đã cùng với một thanh niên (chưa rõ lai lịch) cướp xe máy của anh Trần Hoàng Đức (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Sau khi lục cốp lấy 7 triệu đồng, 200 USD, hai sợi dây chuyền vàng, Cường và đồng phạm mang xe cắm vào tiệm cầm đồ lấy 26 triệu đồng.
Trước đó, cũng tại Biên Hòa, công an kiểm tra hành chính một khách sạn ở phường Tân Hiệp, phát hiện Nguyễn Hoàng Hưng (ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) tàng trữ một bịch ma túy tổng hợp. Khi bị kiểm tra, Hưng xưng cảnh sát cơ động của Bộ Công an. Khám xét phòng ở của Hưng, công an thu giữ một bộ quân phục công an, cầu vai, bảng tên… Cơ quan chức năng xác định Hưng chuẩn bị quân trang để tiếp tục lừa đảo.
Đại tá Trần Tiến Đạt cho biết qua những vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này của tội phạm. “Công an khi làm nhiệm vụ không đi một mình hoặc đi cùng một người mặc đồ dân sự để dừng xe vi phạm trên đường. Nếu gặp trường hợp này thì cần tìm cách báo cho cơ quan chức năng” - ông nói.
Đại tá Đạt cũng lưu ý một số dấu hiệu để người dân nhận biết công an đang thi hành nhiệm vụ đó là chỉ có CSGT mới có quyền dừng xe người vi phạm, đặc biệt là trên những tuyến đường quốc lộ, khi làm nhiệm vụ thì tổ cảnh sát ít nhất từ ba người trở lên…”.
Phát hiện công an giả như thế nào? Hầu hết kẻ giả danh công an thừa nhận khi mặc bộ sắc phục, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của mọi người, dễ khiến người khác tin theo. Chúng giả danh là cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, có trường hợp là cảnh sát cơ động. Kẻ giả danh hay tỏ ra “oai phong”, thường nói nhiều về mình, khoe khoang là công an. Sử dụng các giấy tờ giả, đưa ra các thông tin về lực lượng công an mà chúng đã tìm hiểu trước đó để đánh lừa những người nhẹ dạ. Kẻ giả danh thường nhằm vào người đi đường có hành vi vi phạm Luật Giao thông, các gia đình có con, em đang trong vòng lao lý để vòi vĩnh tiền của người bị hại. Theo tâm lý thông thường, khi việc kiếm tiền dễ dàng, kẻ giả danh công an sẽ tiếp tục dấn sâu vào con đường phạm tội, thực hiện hàng loạt phi vụ với thủ đoạn tương tự nhau. Về phía người dân, cần đặc biệt cảnh giác. Trong trường hợp bị bắt giữ, cần chú ý đến trang phục của lực lượng làm nhiệm vụ. Thông thường, trang phục của kẻ giả danh công an không đồng nhất, sử dụng thẻ ngành giả, không đeo số hiệu công an trên người. Điều đặc biệt là tác phong của công an thật thường rất bình tĩnh, nhỏ nhẹ, trang phục, đầu tóc gọn gàng theo điều lệnh vì được rèn qua trường lớp. Đây là những cái mà kẻ giả danh không có được. Nếu có nghi ngờ là công an giả, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất để trình báo. (Theo Học viện CSND) |