Anh Bùi Phúc Thạch (quê Bình Định) sau khi học xong ĐH Luật TP.HCM, anh xin vào làm việc tại UBND huyện Tân Châu, Tây Ninh. Sau một thời gian, anh được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng, được quy hoạch lên vị trí công tác cao hơn. Anh cho biết lãnh đạo trực tiếp của anh luôn tạo điều kiện cho anh làm việc dù anh không phải là “thành phần có gốc gác”. Tuy nhiên, sau một thời gian ổn định trong biên chế nhà nước, anh quyết định xin nghỉ việc.
Sự an nhàn cũng là một lực cản
Anh Thạch nghỉ việc năm 33 tuổi. Quyết định của anh khiến nhiều người bất ngờ. Anh chia sẻ: “Có nhiều người thích làm trong nhà nước vì công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, không phải lo nghĩ quá nhiều. Nhưng sự an nhàn đó đối với tôi lại là một lực cản. Tính tôi ham học, ham làm nên có nhiều điều tôi muốn thay đổi”.
Dù đã chuẩn bị kỹ về tâm lý và tài chính nhưng sau khi nghỉ việc, anh vẫn rơi vào khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Anh phải dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè để vượt qua. Anh quyết định vào TP.HCM lập nghiệp lần thứ hai. Sau vài năm vất vả, anh đã ổn định cuộc sống, mở văn phòng luật sư.
Anh hài lòng với cuộc sống tự chủ hiện nay. Anh bày tỏ ý kiến: “Có những người cảm thấy không phù hợp với công việc nhà nước nhưng không dám bước ra vì sợ không bươn chải nổi. Nhưng tôi vẫn cứ hy vọng vào lớp trẻ dám nghĩ dám làm. Tôi tin việc tuyển dụng công chức càng về sau càng tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Còn anh Nguyễn Hữu Ngọc, một người cũng đã rời khỏi biên chế nhà nước thì chia sẻ: “Sau 11 năm làm việc, tôi gần như chỉ có một lựa chọn là nghỉ việc. Tôi từng làm việc ở UBND TP Vũng Tàu, vì nhiều lý do, công việc của tôi giậm chân tại chỗ, lương và phụ cấp chỉ hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Khi chuẩn bị nghỉ việc, không dễ dàng đâu, tóc tôi bạc trắng sau một đêm. Nhưng nếu cứ trụ lại, tôi và vợ con cũng khổ. Tôi có lo được cho vợ con đâu.
Nghỉ xong, tôi ăn nhờ ở đậu người thân và bạn bè cả năm trời. Rồi tập kinh doanh, buôn bán cái nọ cái kia. Sau đó tôi làm đại lý cấp 1 cho hãng sơn của Nhật, cuộc sống ổn định dần và giờ kinh tế tốt hơn nhiều”.
Nhà máy chế biến mủ cao su Đại Lộc ở huyện Tân Châu, Tây Ninh hiện nay do anh Thành Nguyễn gầy dựng, làm chủ sau khi rời biên chế nhà nước. Ảnh: H.MINH
Anh Bùi Phúc Thạch chưa bao giờ hối tiếc vì rời nhà nước dù đã được quy hoạch vị trí làm việc cao hơn. Ảnh: H.MINH
Lãnh lương nhưng không làm việc
Anh Thành Nguyễn cũng từng là công chức của một cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Tây Ninh. Anh làm việc hiệu quả, nhiều năm liền đạt lao động tiên tiến, được quy hoạch lên phó phòng tài vụ. Nhưng chuẩn bị được bổ nhiệm thì anh xin nghỉ việc.
Đến bây giờ anh vẫn chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Anh chia sẻ: “Tôi từng làm ở doanh nghiệp tư nhân trước khi được tuyển vào biên chế nhà nước. Môi trường doanh nghiệp có rất nhiều áp lực nhưng năng động, điều gì cần thay đổi họ sẽ thay đổi rất nhanh. Trong khu vực nhà nước thì sự thay đổi chậm quá”.
Thời điểm anh làm việc ở phòng tài vụ, cơ quan chưa trả lương qua thẻ ngân hàng. Sau vài tháng làm việc, có những người đến phòng tài vụ lãnh lương mà anh tưởng họ là khách ghé thăm, vì họ rất ít khi vào cơ quan làm việc. Anh kể: “Thực ra làm nhà nước cũng vui và có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè, đầu óc ít nghĩ ngợi. Nhưng rồi tôi cứ trăn trở mãi, nếu sống thế này làm sao mình phát triển được hết bản thân. Tôi không làm nhà nước để làm ít hoặc không làm mà vẫn lãnh lương”.
Sau bảy năm rời nhà nước, anh đã xây dựng được một công ty có gần 100 công nhân làm việc. Anh luôn truyền tinh thần say mê làm việc cho các công nhân của mình. Anh nói: “Tôi sẽ nói với con sau này con có thể làm nhà nước, có thể làm tư nhân, cơ hội là 50/50. Nhưng đừng mang tư tưởng vô nhà nước để lãnh lương mà không phải làm nhiều”.
Nghỉ việc để làm rẫy cũng… có sao đâu
Thầy giáo Trần Đình Quân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, huyện Tân Châu, Tây Ninh, bày tỏ ông rất buồn khi đọc tin tức biết rằng thời gian qua ở nhiều nơi, nhiều người phải chạy chọt cả trăm triệu đồng để được đi dạy hoặc vào biên chế. Ông nói: “Nhiều người có suy nghĩ rằng vô biên chế sống mới ổn, mới làm gia đình, dòng họ nở mặt nở mày. Suy nghĩ này là sai. Suy nghĩ vậy nên họ xác định là chỉ có một con đường là phải vô nhà nước làm”.
Thầy Quân cũng là người đã nộp đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy công việc quản lý nhiều áp lực cùng với những cọc cạch trong cơ chế mà ở vị trí của phó hiệu trưởng ông không thay đổi được. Thầy Quân bày tỏ: “Sức khỏe tôi chỉ cho phép tôi làm việc nhẹ nhàng. Nhưng bản thân tôi không cho phép mình làm tàng tàng lãnh lương. Muốn khỏe đầu óc thì chỉ nên về làm rẫy”.
Cuối cùng thầy quyết định xin nghỉ việc để tập trung làm rẫy, kinh doanh tại nhà. Thầy nói nhẹ nhàng: “Tôi có con gái đang học đại học ngành dược. Tôi cũng nói với con muốn sau này làm trong nhà nước hay ngoài nhà nước cũng được, hay con muốn kinh doanh làm rẫy như cha cũng được, miễn con thấy cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Không có công việc lương thiện nào là không tốt”.
Nếu phải nghỉ việc, luôn có cơ hội thứ hai Các bạn trẻ cứ nghĩ phải ở trong biên chế mới ổn định. Sự ổn định nên hiểu là mình được làm việc phù hợp, kiếm tiền được cho gia đình chứ không cứ ngồi một chỗ, làm một việc. Tôi đọc thông tin rằng nhiều bạn trẻ đang phải chạy chọt cả trăm triệu để vào nhà nước, đó là một sự bất cập và lãng phí. Chúng ta luôn có ít nhất một cơ hội thứ hai hoặc vài cơ hội khác. Anh NGUYỄN HỮU NGỌC, TP Vũng Tàu, chủ đại lý hãng sơn của Nhật |