Ngày 24-11, hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức. Đối thoại thu hút sự tham gia của nhiều hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Lo ngại về quy định mới
Theo quy định mới tại Nghị định 126/2020 hướng dẫn về một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12, ngân hàng có trách nhiệm phải cung cấp các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư... của khách hàng cho người đứng đầu cơ quan thuế. Thời gian cung cấp là 10 ngày đầu mỗi tháng.
Nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng. Đặc biệt, nhiều DN cho hay họ đang bối rối với quy định mới này trong khi thời gian áp dụng đã rất gần.
Tại buổi đối thoại, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đặc thù của các ngân hàng thương mại là số lượng tài khoản của khách hàng rất lớn. Trong khi đó, quy định trên không có hướng dẫn cụ thể về cách thức cung cấp thông tin, đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện.
Từ phân tích trên, đại diện Vietcombank đề xuất cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể. “Đầu mối, cách thức cung cấp thông tin thế nào?”.
Trả lời vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: “Việc cung cấp dữ liệu tài khoản sẽ theo yêu cầu của cơ quan thuế, những vụ việc cụ thể, đối tượng cụ thể và theo một trình tự thủ tục cụ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng để ban hành các quy chế, quy trình cung cấp dữ liệu” - ông Minh nói.
Bên cạnh đó, cũng tại Nghị định 126/2020, ngân hàng thương mại được yêu cầu có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các nhà cung cấp ở nước ngoài như Facebook, Google, YouTube…
Tuy nhiên, bản chất của các ngân hàng và trung gian thanh toán chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy thiếu thông tin để xác định rằng khoản tiền nào là liên quan tới thu nhập của người nộp thuế phải xác định nghĩa vụ thuế. Điều này khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh giải thích: Đây là nghĩa vụ mới của các ngân hàng thương mại. “Trong quá trình ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý thuế, trong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn cụ thể về cách thức trong trường hợp những tổ chức, nền tảng cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới không đăng ký trực tiếp thì trách nhiệm khấu trừ sẽ giao cho các tổ chức tín dụng căn cứ vào khoản thanh toán tiền từ Việt Nam ra nước ngoài” - ông Minh cho biết.
Vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách thuế và hải quan. Trong ảnh: Ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty An Phát, cho rằng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo làm khó nhà kinh doanh. Ảnh: AH
Bức xúc về kiểm tra chuyên ngành
Tại buổi đối thoại, một công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho hay đã nhập khẩu các lô hàng cam thảo, hoa hòe, lá lốt, lá khế... để làm trà thảo dược. Hàng về đến Việt Nam từ ngày 28-9 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa về kho của DN để sản xuất.
Lý do là từ ngày 16-10, Tổng cục Hải quan có Công văn 6693 yêu cầu các mặt hàng có nguồn gốc từ thực vật khi được nhập khẩu vào nước ta phải căn cứ theo Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế về danh mục dược liệu.
“Theo công văn này thì chúng tôi phải nhập khẩu dưới dạng dược liệu, song mục đích của chúng tôi là nhập các lô hàng này về để làm trà thảo dược chứ không phải làm dược liệu. Thế nên dù hàng hóa của chúng tôi đã về từ trước ngày 16-10 nhưng vẫn không lấy được ra, mỗi ngày phải tốn 6 triệu đồng tiền lưu kho bãi. Tôi được biết hàng trăm DN cũng đang trong tình trạng như tôi, cần được tháo gỡ” - đại diện DN này bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Công ty Dược phẩm thương mại Thành Công, cũng bức xúc khi nhập một lô hàng từ Trung Quốc, cập cảng Hải Phòng từ đầu tháng 9 nhưng đến nay vẫn chưa lấy được ra vì vướng mắc như trên.
“Thông tư 48 của Bộ Y tế ra đời năm 2018, phạm vi điều chỉnh là các DN sản xuất thuốc y học cổ truyền và nguyên liệu làm thuốc y học cổ truyền chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của thực phẩm. Nếu nguyên liệu nhập về với mục đích làm thực phẩm như chúng tôi thì theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ nhưng phía hải quan cho rằng vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi bị lưu hàng ở cảng ba tháng rồi. Tôi không dám chắc nguyên liệu có còn được nguyên vẹn hay không. Tôi đề nghị cơ quan hải quan nghiên cứu kỹ để nhanh chóng giải phóng hàng cho chúng tôi” - ông Mười nhấn mạnh.
Trả lời DN về các vướng mắc này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thừa nhận đây là trường hợp điển hình của sự chồng chéo trong đối tượng kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ông Thành cho biết danh sách các mặt hàng dược liệu khá dài do Bộ Y tế quản lý.
“Ở góc độ hải quan, chúng tôi chỉ biết đây là thuộc danh mục dược liệu thì phải áp dụng như vậy, còn nếu ăn được thì áp dụng danh mục thực phẩm. Họ khai báo chẳng ăn, chẳng chữa bệnh thì chẳng thuộc danh mục nào. Tôi đã trao đổi rất rõ với Bộ Y tế nhưng phải có văn bản để cả cơ quan thực thi, DN giải thoát lẫn nhau chứ không phải vì bên này làm khó bên kia và ngược lại” - ông Thành nói.
Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết bà cũng hết sức chia sẻ, đồng thời giao cho Tổng cục Hải quan khẩn trương phối hợp với các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Công Thương để có hướng dẫn và giải quyết cho DN.
Thuế thu nhập cá nhân có tăng không?
Liên quan đến Nghị định 126/2020 về chính sách thuế có hiệu lực từ ngày 5-12, đại diện Grab đặt vấn đề: Số thuế mà tài xế công nghệ (Grab, Be, Gojek) phải đóng theo nghị định này liệu có sự khác biệt so với thời điểm hiện tại hay không? Liệu mức thuế giá trị gia tăng mà các tài xế công nghệ phải đóng bắt đầu từ ngày 5-12 sẽ giữ nguyên 3% hay tăng lên 10%?
Ngoài ra, đại diện Grab cũng mong muốn các cơ quan chức năng lý giải về thuế thu nhập cá nhân tài xế sẽ tính theo quy định như Thông tư 92/2015 hay theo văn bản khác. Thông tư 92 của Bộ Tài chính quy định mức thuế thu nhập cá nhân cho tài xế công nghệ là 1,5% cho phần doanh thu vượt quá 100 triệu đồng.
Giải đáp vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định: Mức thuế thu nhập cá nhân mà tài xế phải nộp sẽ không thay đổi so với trước đây. Về thuế giá trị gia tăng, ông Minh cho hay: Theo quy định mới của ngành giao thông vận tải, lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Cá nhân không được tự kinh doanh và DN sẽ là người chịu trách nhiệm kê khai thuế trên tổng số doanh thu thu được.
(PLO)- Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế VAT dịch vụ thư tín dụng (L/C) đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng.