Ronald Haeberle và Kỷ niệm chương Vì hòa bình - Bài 2: Nỗi ám ảnh chiến tranh

(PLO)- Hơn 55 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, người lính Mỹ 27 tuổi năm ấy giờ đã là ông già 83 tuổi và những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam luôn ám ảnh ông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 32 năm, từ khi rời khỏi Việt Nam (năm 1968) cho đến khi trở lại chiến trường xưa (năm 2000), Ronald Haeberle mới giải đáp được nỗi băn khoăn trong lòng mình về người dân ở Mỹ Lai có còn hận thù người Mỹ hay không.

Ký ức vẫn còn đó...

Sau ngần ấy năm, Ronald Haeberle vẫn còn nhớ như in về ngày trước khi diễn ra cuộc hành quân dẫn đến vụ thảm sát Mỹ Lai (ngày 16-3-1968) tại trung tâm thị trấn Đức Phổ, Quảng Ngãi thuộc vùng 1 chiến thuật vẫn rôm rả không khí giao hữu.

Ban nhạc của quân đội Mỹ (thuộc Văn phòng Thông tin công cộng) với hơn 20 người sử dụng các loại kèn để chơi các bản nhạc, kêu gọi người dân tới khám chữa bệnh. Những bản nhạc thịnh hành vào thập niên 1960 và thường được các dàn hợp xướng biểu diễn như Rivers Of Babylon, Sugar Sugar, More Than I Can Say, Forever And Ever…

Lũ trẻ trong làng kéo đến rất đông, lắng nghe những giai điệu được biểu diễn ngay dưới hiên trường học, phần lớn tò mò nhìn những chiếc kèn đồng lạ mắt như flute, oboe, clarinet, bassoon, trumpet…

Ronald Haeberle chỉ vào những hình ảnh từ tấm ảnh đen trắng và nói: “Trong khi đội y tế chăm sóc cho người dân địa phương và những người lính thuộc Văn phòng Thông tin công cộng phát kẹo, thú nhồi bông cho thiếu nhi thì ban nhạc chơi những bài hòa tấu. Ban ngày là vậy nhưng ban đêm ở đây trở lại với thực tế của chiến tranh, tiếng súng nổ”.

Đứng giữa đám trẻ con, Ronald Haeberle ngập tràn cảm xúc khi chứng kiến lũ trẻ hào hứng với những chiếc kẹo chocolate, còn người lớn được lực lượng y tế của Lữ đoàn Bộ binh 11 khám chữa bệnh.

Vào năm 1968, khung cảnh yên bình như vậy ở Việt Nam không nhiều, vì đây là thời điểm nóng bỏng của chiến dịch Rolling Thunder, các phi cơ bay trên những cánh rừng già để săn tìm các xe chở vũ khí của quân giải phóng từ miền Bắc tiếp tế cho miền Nam và kết cục là 272 chiếc máy bay bị bắn rơi, hàng trăm phi công Mỹ bị bắt sống hoặc bỏ mạng.

Trở lại Mỹ Lai

Có thể nói là cuộc đời của người cựu binh Mỹ Ronald Haeberle và Việt Nam được ghi dấu ấn đặc biệt gắn với số 12. Tháng 12-1967, ông đặt chân tới Việt Nam và không lâu sau đó, ông chứng kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân giải phóng. Tháng 3-1968, ông rời Việt Nam trở về Mỹ và tên tuổi gắn với vụ thảm sát Mỹ Lai suốt 55 năm.

Mãi 32 năm sau, vào tháng 12-2000, Ronald Haeberle lần đầu trở lại Việt Nam và trên người khoác áo thể thao trong đội đua xe đạp xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM. Khi đi qua địa bàn Quảng Ngãi thì như có một ma lực nào đó đã kéo ngược ông trở lại.

“Tại đây, chúng ta sẽ công bố, đây là tác giả chùm ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai” - người bạn đường của Ronald Haeberle đề nghị.

Sân bay dã chiến Gò Hội. Ảnh: Tư liệu

Sân bay dã chiến Gò Hội. Ảnh: Tư liệu

Nhưng rồi ông ngẫm nghĩ và gác ý định công bố về thân phận tác giả chùm ảnh Mỹ Lai bởi Ronald Haeberle vẫn luôn băn khoăn: “Không biết người dân ở Mỹ Lai có còn hận thù hay không? Có ai còn nhớ ông từng có mặt trong đoàn quân cách đây 32 năm từ những chiếc trực thăng vận và đổ quân xuống lùng sục khắp làng?”.

Sau đó, Ronald Haeberle quyết định rời đoàn đua xe và ở lại Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) trong thời gian năm ngày. Người phiên dịch giúp ông gặp lại nhân chứng là những người phụ nữ tội nghiệp với thân thể đầy vết thương. Ông đã vô cùng xúc động khi gặp người phụ nữ mất một cánh tay và nghe bà kể về những nỗi đau khi người thân đều đã qua đời.

Từ lần đầu đó, ông cũng đã nhiều lần trở lại Mỹ Lai, đến thăm từng nhân chứng, lẳng lặng trước những vị trí người dân thường bị thảm sát, rồi gặp gỡ một nhân chứng khác từng sống sót trong vụ thảm sát là Đỗ Ba và ông đã nhận được câu trả lời rằng: “Đã nửa thế kỷ rồi, người Việt Nam gác lại đau thương chiến tranh”.

Ông kể mình đã nhận ra một điều: “Người Việt Nam đã sẵn sàng tha thứ, dù rằng họ vẫn không bao giờ quên, vì vậy phần đời còn lại thì hãy làm gì đó để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh”.

Hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh

Bắt đầu từ sau năm 2000, mỗi khi trở lại Việt Nam, ông đều thăm hai địa danh là Mỹ Lai và núi Dàng, nhiều người dân địa phương tỏ ra thân mật, không còn hận thù về quá khứ chiến tranh với người Mỹ.

Tháng 3-2023, Ronald Haeberle lại tiếp tục trở lại Việt Nam. Trên khuôn mặt của ông có vẻ nặng nỗi ưu tư. Từ năm 1978, khu chứng tích Sơn Mỹ (nằm trên Quốc lộ 24B thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi, nơi tưởng nhớ vụ thảm sát) đã treo những bức ảnh của ông chụp hiện trường vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968. Gần đây, những bức ảnh này đã bị tháo xuống theo đề nghị của ông, xuất phát từ câu chuyện minh họa nhân vật trong bức ảnh Anh che đạn cho em.

Ông Ronald Haeberle trả lời báo chí tại khu Chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi. Ảnh: LVC

Ông Ronald Haeberle trả lời báo chí tại khu Chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi. Ảnh: LVC

Đến ngày 8-3-2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc gặp với ông và đi đến thỏa thuận để những tấm ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai được treo trở lại vô thời hạn. Ảnh sẽ được minh họa, kèm theo tên tác giả “1968 Ronald L. Haeberle, photograph by Ronald L. Haeberle”.

Lập Quỹ từ thiện Renew để hỗ trợ trẻ em

Vào ngày 7-3, trong chuyến trở lại Việt Nam, Ronald Haeberle đã tổ chức hoạt động từ thiện, tặng 100 suất quà cho các học sinh Trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). Từ năm tháng trước khi trở lại Việt Nam, ông thành lập Quỹ từ thiện Renew để hỗ trợ trẻ em và giải quyết vấn đề bom mìn ở Việt Nam.

Ông viết: “Ở Quảng Ngãi, hàng chục ngàn quả bom vẫn rải rác khắp các vùng nông thôn, con cháu các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai vẫn gặp nhiều nguy cơ. Mọi người hãy vui lòng quyên góp và tham gia chiến dịch gây quỹ trực tiếp từ xa”.

Vào ngày tổ chức họp báo sự kiện này, trên Facebook cá nhân của ông hiển thị tài chính 4.737.989 đồng.

Ngày 15-6-2023, sau khi được Chính phủ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, Ronald Haeberle chia sẻ ông sẽ bắt đầu viết tự truyện về cuộc đời mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm