Sáng 22-11, Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức toạ đàm về một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đăng ký căn cước, công tác tư pháp - hộ tịch và các quy định pháp luật khác cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính sách pháp luật ngày càng rộng mở với kiều bào
Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Văn Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết năm 2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, xác định người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng không thể tách rời, là nguồn lực, cầu nối của đất nước với bạn bè quốc tế.
Sau 10 năm, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 45/2015 về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đến năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12/2021 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36/2004.
“Như vậy 20 năm kể từ Nghị quyết 36/2004, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng rộng mở, cơ chế thông thoáng để kiều bào quay về quê hương đóng góp và sinh sống”- ông Thu nói.
Ông Lê Văn Thu cũng bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao việc Trung tâm Báo chí TP.HCM, BAOOV, PC06 đã tổ tổ chức toạ đàm nhằm lan toả thông tin, đường lối chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến kiều bào, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó phòng PC06 (Công an TP.HCM), cho biết hiện Chính phủ đang tập trung thực hiện Đề án 06 và các quy định pháp luật hiện hành như Luật Cư trú, Luật Căn cước…
“Đặc biệt, để thực hiện tốt Đề án 06 thì dữ liệu dân cư phải sạch, đúng và công tác giải quyết cư trú, cấp căn cước là tiền đề quan trọng để thực hiện Đề án 06 và các quy định pháp luật hiện hành”- bà Lãnh nói.
Theo bà Lãnh, để thực hiện tốt Đề án 06 trong cộng đồng kiều bào, phòng PC06 đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi thông tin đến kiều bào những nội dung về Luật Căn cước, Luật Cư trú để kiều bào nắm và hướng dẫn đến các kiều bào khác.
Đại diện phòng PC06 cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để thông tin chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tạo thuận lợi cho kiều bào theo đúng các quy định căn cước và cư trú nhằm tạo điều kiện để kiều bào quay về quê hương.
Kiều bào muốn đăng ký thường trú cần điều kiện gì?
Giải đáp câu hỏi của kiều bào, Trung tá Nguyễn Thành Phương (Phòng PC06, Công an TP.HCM), cho biết khi kiều bào muốn trở về Việt Nam, muốn đăng ký cư trú hay được cấp căn cước thì điều kiện tiên quyết là phải còn quốc tịch Việt Nam.
“Nếu không còn quốc tịch Việt Nam thì là người nước ngoài, bởi Luật quốc tịch đã định nghĩa, người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam”- ông Phương giải thích và cho biết với trường hợp không còn quốc tịch Việt Nam thì áp dụng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam ở nước ngoài.
Trường hợp người nước ngoài muốn đăng ký thường trú tại Việt Nam, Trung tá Nguyễn Thành Phương thông tin phải thoả mãn các điều kiện cần và đủ quy định tại điều 39 của Luật này.
Cụ thể là thuộc một trong các trường hợp sau thì được xét cho thường trú: (1) có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước; (2) nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam; (3) được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh; (4) người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.
Trường hợp kiều bào quay về Việt Nam và còn quốc tịch sẽ được sẽ được áp dụng theo luật đối với công dân Việt Nam. Trong đó, khi nhập cảnh vào Việt Nam phải đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp được quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú mới được đăng ký thường trú.
Điều 20 quy định có sáu chỗ ở hợp pháp. Cụ thể, chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của công dân; chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của người khác mà không phải của kiều bào; chỗ ở hợp pháp là thuê, mượn, ở nhờ thì được đăng ký thường trú nếu chủ sở hữu đồng ý; các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; cơ sở trợ giúp xã hội; tàu thuyền, các phương tiện khác dùng để sinh sống.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Thành Phương, hiện nay theo Luật Cư trú 2020, quyền giải quyết đăng ký cư trú cho công dân là công an xã, phường, thị trấn.
"Hiện nay, chúng ta còn có quyền thực hiện hồ sơ giải quyết đăng ký cư trú trực tiếp hoặc trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Vì vậy, việc đăng ký tài khoản dịch vụ công rất thuận lợi cho kiều bào. Đơn cử nếu một tuần nữa chúng ta mới về Việt Nam thì có thể nộp hồ sơ đăng ký cư trú ở nước ngoài từ trước và khi về chỉ cần nhận kết quả”- ông Phương nói.
Trung tâm Báo chí TP.HCM và BAOOV ký kết Biên bản ghi nhớ
Dịp này, Trung tâm Báo chí TP.HCM và BAOOV ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU). Trong đó, hai bên đồng thuận về hợp tác thúc đẩy vai trò của BAOOV trong việc kết nối, xúc tiến giao thương, đầu tư, trao đổi văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời phát huy vai trò của Trung tâm Báo chí TP.HCM như là cầu nối giữa các cơ quan báo chí, cơ quan chính quyền...
Biên bản ghi nhớ nêu rõ, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các chuyên đề thông tin về tình hình kinh tế trong và ngoài nước, cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước; các hoạt động kết nối giao thương, đầu tư, trao đổi văn hóa giữa cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho cộng đồng doanh nhân, cộng đồng kiều bào; hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, kiều bào trong các hoạt động liên quan đến báo chí, truyền thông.